Góc nhìn: Khi “chiến lược con kiến” của ngân hàng lên ngôi

Tết Nguyên đán vừa rồi, đến thăm một vùng quê xa còn nhiều khó khăn, người viết ấn tượng trước đổi thay: nhiều hộ theo nhau sắm smart TV kết nối Internet đón Tết, chẳng kém dân khá giả phố thị.
Năm 2016, những kết quả và tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất đang nghiêng hẳn về những ngân hàng đã tham gia mạnh phân khúc cho vay tiêu dùng
Năm 2016, những kết quả và tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất đang nghiêng hẳn về những ngân hàng đã tham gia mạnh phân khúc cho vay tiêu dùng

Có những nhà sắm hẳn vài chiếc, từ 12 - 20 triệu đồng/chiếc. Tìm hiểu, phần lớn họ mua trả góp, mỗi tháng trả từ 1 - 2 triệu đồng. Hệ thống phân phối điện thoại, điện máy của FPT, Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh… cũng đã phủ đến đây.

Nhìn lại, khoảng chục năm về trước, bỏ qua yếu tố thu nhập và đời sống, xét theo điều kiện tiếp cận vốn, nhiều hộ dân rất khó để làm được điều đó, mà trước hết vì một phần chính sách.

Thời “đánh vào tổng cầu”

Với những người quan tâm đến kinh tế vĩ mô, gần chục năm về trước, cụm từ “đánh vào tổng cầu” có lẽ đến nay vẫn còn ám ảnh. Trước diễn biến lạm phát leo thang, chính sách “đánh vào tổng cầu” nhằm vào đầu tư, tiêu dùng để kìm hãm hoặc có thể đè được yếu tố giá.

Lạm phát rồi được kiềm chế. Nhưng có những “hy sinh” đến nay càng có điều kiện để thấy rõ hơn, như ở một góc của chính sách tiền tệ.

Người viết còn nhớ, cách đây gần 10 năm, vào sáng ngày 1/12/2008, tại khách sạn Melia Hà Nội, một số khách mời tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2008 nhíu mày khi nghe ông Ashok Sud, Tổng giám đốc Standard Chartered tại Việt Nam khi đó, khuyến cáo với từ ngữ mạnh về hạn chế của chính sách tiền tệ, liên quan đến “đánh vào tổng cầu” nói trên.

Đại ý, ông Ashok Sud, thay mặt cho Tiểu ban Tín dụng của Diễn đàn, nói rằng, chính sách lãi suất của Việt Nam sẽ làm thui chột tín dụng tiêu dùng, vốn còn rất non trẻ, trước khi nó đủ lớn.

Đó chính là “con voi” của cơ chế trần lãi suất. Cụ thể là Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, chính thức đưa cơ chế điều hành lãi suất theo trần: từ ngày 19/5/2008, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản (như quy định tại Bộ luật Dân sự), ứng tại thời điểm đó là trần 16,5%/năm.

Không còn ở mức độ khuyến cáo, với đặc tính rủi ro cao hơn và có lãi suất cao hơn, phần lớn tín dụng tiêu dùng khi đó đã không thể sống chung một trần với tín dụng thông thường. Nhiều ngân hàng thương mại buộc phải phanh, hoãn, thậm chí đóng cửa bớt hoạt động ở lĩnh vực này.

Và đi cùng, như Tiểu ban Tín dụng tại hội nghị trên phân tích, một lượng lớn khách vay nhỏ lẻ theo đó đã bị gạt ra khỏi thị trường. Họ không thể vượt qua được “con voi” chính sách và một bộ phận phải tìm đến tín dụng đen…

Thêm nữa, phía nhà đầu tư nước ngoài lưu ý rằng, lượng lớn khách hàng nhỏ lẻ bị gạt ra đó lại chính là lực đẩy tiêu dùng, kích thích sản xuất, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước khi đó cũng giải thích, đại ý, xét đến ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là kiềm chế lạm phát và giảm thâm hụt mậu dịch, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Cụ thể là kiểm soát tiêu dùng, hạn chế hoạt động cho vay tiêu dùng nhằm giảm nhập khẩu (qua đó hạn chế thâm hụt mậu dịch) và tiết kiệm vốn nhằm mục đích phát triển kinh tế…

Đến thời “con kiến”

Cơ chế trần lãi suất rồi cũng được nới. Chính sách rồi cũng thay đổi chóng vánh. Từ “đánh vào tổng cầu”, thị trường bắt đầu sôi động (ít nhất về mặt thông tin) về kích cầu, các gói kích cầu, cấp bù lãi suất… Tín dụng tiêu dùng dần được nối lại.

Đó là “chiến lược con kiến” mà một số ngân hàng thương mại đã âm thầm gây dựng từ thời kích cầu đó. Và hầu hết phải mất ít nhất 2-3 năm đầu chịu lỗ đầu tư, để rồi mới có thành quả thực sự hai năm gần đây.

Gọi là “chiến lược con kiến”, vì những ngân hàng này phải lập các công ty tài chính tiêu dùng (hoặc mua lại), thiết lập và phân nhánh một hệ thống mạng lưới rộng lớn bằng các đầu mối rất nhỏ tới từng cửa hàng, đại lý tiềm năng. Ngoài lượng cán bộ nhân viên chính, mỗi mạng lưới có tới trên dưới 10.000 “kiến thợ” là cộng tác viên.

“Con kiến” cũng là quy mô của những món vay rất nhỏ, từ dăm bảy triệu đồng, đến những chiếc tivi thông minh, điện thoại đắt tiền… Tha đông đầy tổ, hàng trăm nghìn món vay nhỏ lẻ gộp lại thành quy mô lớn.

Cũng vì những món vay quá nhỏ chưa đủ khẩu vị của nhiều ngân hàng thương mại, hoặc do người vay ngại tiếp cận ngân hàng với nhu cầu vốn nhỏ đó, nên một thị trường rộng lớn từng gần như bỏ ngỏ, hoặc từng bị gạt ra bên lề bởi chính sách trước đây, trở nên rất tiềm năng.

Và sau 3 - 4 năm thiết lập lại, chiến lược trên đã chính thức lên ngôi trong hoạt động ngân hàng, nổi lên năm 2015 rồi rõ hơn trong năm 2016.

Trước hết, nó thể hiện ở một loạt ngân hàng thương mại đã chính thức nhập cuộc mua lại, sáp nhập để chuyển đổi các công ty tài chính tiêu dùng chuyên biệt.

Nổi bật hơn là sự lên ngôi của những con số lợi nhuận. Năm qua, những kết quả và tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất đang nghiêng hẳn về những ngân hàng đã tham gia mạnh phân khúc cho vay “con kiến” này.

Như năm 2016, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vương (VPBank) dự kiến sẽ chính thức là ngân hàng thương mại cổ phần (không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối) có quy mô lớn nhuận lớn nhất, trong đó ước tính phần từ tín dụng tiêu dùng “con kiến” có thể lên tới 2.400 tỷ đồng - con số mà một ngân hàng cổ phần kinh doanh truyền thống bình thường cũng khó đạt được những năm gần đây.

Hay tại Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank), mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong năm 2016 cũng có phần đóng góp lớn của chiến lược trên, ước tính riêng mảng này góp tới trên 400 tỷ đồng.

Đó tiếp tục là những con số biết nói, dù phần lớn các công ty tài chính tiêu dùng vẫn mới chỉ ở giai đoạn đầu hoặc sắp tham gia thị trường.

Đọc thêm