Hà Nội: Biệt thự có nguy cơ rơi vào tay tư nhân

(PLO) - Các qui định về quản lý biệt thự đang khiến người dân bức xúc, chính quyền lúng túng và “duy trì” sự tồn tại của những biệt thự xuống cấp làm lem nhem bộ mặt Thủ đô.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tình trạng các hộ dân sinh sống trong các biệt thự lấn chiếm diện tích sử dụng chung, xây dựng không phép, trái phép phá vỡ công năng, kiến trúc, làm biến dạng biệt thự, chất lượng môi trường số tại một số nhà biệt thự chậm được cải thiện, gây bức xúc cho người dân Thủ đô và HĐND phải ban hành Nghị quyết 18/2008/NQ-HĐND về đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP.Hà Nội. 
Tuy nhiên, việc UBND TP triển khai Nghị quyết (NQ) này lại tạo ra những bức xúc mới tại Kỳ họp thứ 10 của HĐND TP khóa XIV khi HĐND và UBND không đạt được sự thống nhất.
“Lùng bùng” chính sách nên “tồn tại” nhiều biệt thự biến dạng 
Trình bày lý do đề nghị HĐND ban hành NQ điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của NQ 18/2008, UBND TP cho biết, do lịch sử để lại, việc phân phối nhà ở cho nhiều hộ gia đình cùng sử dụng hoặc đan xen sử dụng giữa trụ sở cơ quan và các hộ dân đã dẫn đến tình trạng lấn chiếm diện tích sử dụng chung, xây dựng không phép, trái phép phá vỡ công năng, kiến trúc, làm biến dạng biệt thự, chất lượng môi trường số tại một số nhà biệt thự xuống cấp nhưng chậm được cải thiện, gây bức xúc cho người dân. 
Nhiều hộ dân là gia đình cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước đang thuê nhà thuộc danh mục nhà biệt thự không được bán theo NQ 18, có đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, có đơn đề nghị được mua nhà có nhu cầu mua nhà để ổn định, cải thiện môi trường sống. Bên cạnh đó, theo NQ 18, các biệt thự có các hộ dân đang thuê sử dụng đan xen với trụ sở cơ quan (trên 50% diện tích là trụ sở cơ quan) thì không bán, phải thực hiện di chuyển các hộ dân để làm trụ sở cơ quan. 
Song thực tế một số cơ quan, đơn vị không có điều kiện thực hiện giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân thuê nhà có đơn kiến nghị được giải quyết mua nhà. Có nhiều trường hợp đã được mua nhà trước khi có NQ 18, trong khi đó nhiều trường hợp đang thuê có điều kiện tương tự nhưng không được mua vì chịu sự điều chỉnh của NQ 18. Từ đó, công tác quản lý nhà đối với các trường hợp nêu trên gặp nhiều khó khăn, trong đó chất lượng, môi trường sống của người dân khó được cải thiện vì không được mua và cải tạo chỗ ở, làm phát sinh thắc mắc vì cùng giống nhau về đối tượng nhưng có trường hợp được mua, trường hợp không được mua.
Từ khi Đề án quản lý biệt thự được phê duyệt đến nay, trên địa bàn TP có 7 trường hợp phá dỡ nhà biệt thự, trong đó 5 trường hợp phá dỡ khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền và đã bị xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, hiện các công trình này đang bị đình chỉ không được xem xét cấp giấy phép xây dựng, 2 trường hợp đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép phá dỡ nhà biệt thự loại 1 để thực hiện dự án.
Biệt thự xuống cấp vì cơ quan quản lý “dối trá”
Nhưng vấn đề được HĐND TP quan tâm là các biệt thự bị phá dỡ và được “hợp thức hóa” việc phá dỡ trước khi NQ 18 được ban hành. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Xuân Diên (Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP) cho rằng: “UBND lấy lý do TP có hơn 1.000 biệt thự nên quản lý không sát là không phù hợp vì chỉ cần có một hộ dân cơi nới 1m2 thì chính quyền đã biết, đây là cả biệt thự thì không thể không biết, nên phải xử lý trách nhiệm đối với vấn đề này”.
Trước thực trạng đã có 121 biệt thự bị phá đi, một số thậm chí được xây dựng thành các tòa nhà cao tầng trước khi có NQ 18 mà HĐND đã yêu cầu UBND phải giải trình rõ nhưng chưa có câu trả lời, ĐB Nguyễn Hoài Nam (Trưởng ban Pháp chế HĐND TP) đề nghị: “Giao UBND thanh tra toàn diện việc quản lý biệt thự, nếu không làm nghiêm, xử lý trách nhiệm cụ thể thì không quản lý, duy trì được các biệt thự”.
Theo HĐND, việc đánh giá thực trạng quỹ biệt thự do UBND TP thực hiện sơ sài, không đúng khiến HĐND khó có “niềm tin với kết quả thực hiện NQ 18” như ĐB Trần Trọng Dực (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy) đưa ra khi “đấu tố” về trách nhiệm của UBND trong việc quản lý biệt thự và cảnh báo: “Nếu làm tùy tiện thì tài sản nhà nước (các biệt thự - PV) sẽ rơi vào túi tư nhân nên TP cần rà soát, đánh giá lại một cách chắc chắn, đừng làm cẩu thả”. 
Thậm chí, ĐB Nguyễn Hoài Nam nhận định: “Trong quản lý biệt thự, cơ quan quản lý đã buông lỏng vì nếu không có bao che, dung túng, thậm chí có sự “dối trá” của cơ quan quản lý thì không có nhiều biệt thự xuống cấp như hiện nay”. 
Tuy nhiên, xuất phát từ mục tiêu “bảo tồn các biệt thự là bảo tồn các giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của Hà Nội và cả nước”, trong số 6 nội dung điều chỉnh, bổ sung NQ 18 được UBND đề xuất, HĐND TP chỉ quyết cho phép tiếp tục bán diện tích ở tại các biệt thự cho các đối tượng đã được mua theo NQ 18 theo Nghị định 34/2013 về quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và Thông tư số 14/2013 của Bộ Xây dựng; đồng thời giao UBND TP rà soát, xem xét các trường hợp cụ thể và báo cáo HĐND TP, Thủ tướng Chính phủ cho phép bán biệt thự. 
HĐND cũng thống nhất để UBND TP báo cáo, đề nghị Thủ tướng ủy quyền cho UBND TP xem xét, quyết định bán biệt thự có đan xen các hộ dân sử dụng làm nhà ở và các cơ quan sử dụng làm trụ sở (trên 50% diện tích là trụ sở), có nhiều hộ ở (từ 3 hộ trở lên) và đã có hộ được mua nhà trước khi có NQ 18 thì cho phép bán theo Nghị định 34/2013 để sớm giải quyết nhu cầu mua nhà của người dân.H.h
Theo Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự được HĐND TP thông qua, trên địa bàn TP có 970 nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước và nhà biệt thự thuộc sở hữu tư nhân có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước đưa vào quản lý, gồm: 207 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước không bán, 599 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước thuộc diện được bán, 164 biệt thự có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước đã bán theo Nghị định 61/CP trước khi Chính phủ ban hành NQ 48/NQ-CP (đã thuộc sở hữu tư nhân toàn bộ).
Sau khi kiểm tra, rà soát, Hội đồng thẩm định TP đã xác định được 501 biệt thự đủ các tiêu chí bảo tồn, đề nghị bổ sung vào danh mục nhà biệt thự quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP. UBND đã ban hành Quyết định số 7177/QĐ-UBND phê duyệt danh mục 1.253 biệt thự (gồm 501 biệt thự nêu trên và 752 biệt thự có tên trong Đề án năm 2008 đã được rà soát). Trong đó 312 biệt thự là các công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không còn giá trị về  kiến trúc, các biệt thự xây dựng sau năm 1954, các biệt thự đã bị phá dỡ trước khi có NQ 18 (được quản lý, sử dụng theo qui định của pháp luật hiện hành)./.

Đọc thêm