Hà Nội: Nơm nớp sống cùng nỗi lo chung cư cháy nổ

(PLO) - Cảnh sát Phòng cháy chữa  cháy (PCCC) TP Hà Nội vừa có thông báo công khai danh sách 108 cơ sở, công trình vi phạm về PCCC. Theo đó, chiếm gần một nửa là chung cư, với 49 công trình. Thông báo là chuyện của cơ quan chức năng, nhưng chuyện xử lý dứt điểm liệu có triệt để hay chỉ là “đá ném ao bèo”?
Cư dân toà nhà Discovery Complex căng băng rôn phản đối sai phạm của chủ đầu tư
Cư dân toà nhà Discovery Complex căng băng rôn phản đối sai phạm của chủ đầu tư

Biết nguy hiểm, vẫn phải ở

Theo đại diện Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, trong danh sách 108 cơ sở, công trình này, chiếm gần một nửa là chung cư, với 49 công trình. Một số công trình đáng chú ý như chung cư M3, M4, M5 (quận Đống Đa) do Công ty đầu tư xây lắp và phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư; Tòa nhà Fodacon (quận Hà Đông) do Công ty CP đầu tư xây dựng Fodacon làm chủ đầu tư, đã xảy ra cháy vào ngày 25/5 vừa qua…

Trong danh sách cũng đề cập 36 tòa nhà cho thuê, trụ sở làm việc của các doanh nghiệp và cơ quan, ban ngành Trung ương và thành phố. Ngoài ra, còn có 19 khách sạn như khách sạn OASIS (quận Ba Đình), khách sạn Asean (quận Đống Đa), khách sạn London (quận Cầu Giấy)… và 4 cơ sở giáo dục như nhà A - Trường Đại học Ngoại thương, Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội, Học viện Bưu chính viễn thông…

Lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư khắc phục các thiếu sót, tồn tại về vi phạm các quy định PCCC. Đối với những chủ đầu tư, đơn vị quản lý chây ỳ, cố tình không chấp hành các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, không thực hiện các nội dung kiến nghị, yêu cầu khắc phục của cơ quan có thẩm quyền thì Cảnh sát PCCC sẽ xem xét, đề xuất chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự theo thẩm quyền.

Mới đây, hàng loạt hộ dân mua nhà tại chung cư Discovery Complex (Dịch Vọng, Cầu Giấy) đồng loạt treo băng rôn yêu cầu Kinh Đô TCI Group hoàn thiện nghiệm thu PCCC theo đúng quy định của cơ quan chức năng. Theo chia sẻ của cư dân, trong gần 2 năm dự án chậm tiến độ, sai phạm này chưa khắc phục, sai phạm khác đã nổi lên. 

Các vi phạm PCCC điển hình tại dự án Discovery Complex có thể kể đến như: Khu vực tầng 8 khối đế, tầng hầm 1, tầng 1 chưa hoàn thiện thi công các giải pháp ngăn cháy lan, thoát nạn, hệ thống PCCC và các hệ thống kỹ thuật có liên quan; đường giao thông nội bộ phục vụ chữa cháy chạy xung quanh công trình đang trong giai đoạn thi công chưa hoàn thiện; giải pháp ngăn cháy lan của một số hạng mục chưa đảm bảo theo hồ sơ thiết kế được duyệt; chưa thi công hoàn thiện giải pháp thoát nạn của nhiều hạng mục công trình… Ngoài ra, công trình cũng chưa lắp đặt máy bơm cấp nước chữa cháy, tầng hầm chưa bố trí đèn chiếu sáng sự cố.

Vì sao sai phạm tồn tại dai dẳng?

Ông Bùi Tuấn Khanh, Đội phó Đội hướng dẫn kiểm tra Phòng Cảnh sát PCCC số 3, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết: ngày 20/4, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cùng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã nghiệm thu PCCC với công trình Discovery Complex theo đề nghị của chủ đầu tư tại Công văn số 1004/CVDA ngày 26/3.

“Tuy nhiên, tại thời điểm đó, hồ sơ nghiệm thu chưa đảm bảo theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ, thử nghiệm thực tế một số hệ thống chưa hoạt động ở chế độ tự động. Công trình chưa đủ điều kiện cấp văn bản nghiệm thu về PCCC, nhưng đoàn kiểm tra phát hiện căn hộ 2802, 2414 đã đưa vào hoạt động. Hiện Phòng Cảnh sát PCCC số 3 đang tham mưu TP hướng xử lý vi phạm này”, ông Khanh cho biết.

Cũng theo ông Khanh, ngày 2/5, Phòng Cảnh sát PCCC số 3 đã có văn bản đề xuất xử phạt vi phạm hành chính với vi phạm tại công trình Discovery Complex. Với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa có nghiệm thu PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC số 3 đề xuất ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt 80 triệu đồng. Đồng thời, có văn bản gửi Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội đề nghị không cung cấp điện, nước sử dụng cho công trình.

Câu chuyện trên không phải là chuyện hiếm. Ông Nguyễn Tiến - Đại diện Ban quản lý lâm thời cụm CT1 Usilk City cho hay, các hộ dân đã ký hợp đồng mua bán căn hộ với Công ty CP Sông Đà Thăng Long từ năm 2009 - 2010. Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2015 gần 400 căn hộ mới được nhận bàn giao và chuyển về sinh sống. Nghịch lý ở chỗ, dù bàn giao muộn, hệ thống PCCC của toà nhà vẫn dang dở.

“Cam kết khắc phục từ Công ty CP Sông Đà Thăng Long kéo dài hơn 3 năm qua nhưng chuyển biến… nhỏ giọt. Cư dân vì thế vẫn phải đánh cược tính mạng, tài sản của mình cho “bà hỏa” khi mà hệ thống an toàn PCCC chưa được nghiệm thu, không đảm bảo các điều kiện về an toàn cháy nổ. Đỉnh điểm sau vụ cháy CT5 Văn Khê ngay sát dự án Usilk City vì chuông báo cháy không hoạt động, 100% cư dân vô cùng hoảng loạn”, ông Tiến chia sẻ.

Vấn đề là các cơ quan chức năng không thiếu chế tài để xử lý các công trình vi phạm về PCCC, vậy tại sao những vi phạm này vẫn tồn tại dai dẳng từ năm này qua năm khác trên địa bàn Thủ đô? Phải chăng đang có sự bao che, dung túng, thờ ơ khiến người dân vẫn phải đánh cược mạng sống của mình trong các công trình vi phạm. 

Đọc thêm