Hà Nội ưu tiên làm đường vành đai 4 trong kế hoạch 5 năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  TP Hà Nội đã lên kế hoạch sẽ ưu tiên làm đường vành đai 4 trong 5 năm tới để phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường liên kết vùng.
Đường vành đai 4 kết nối Hà Nội với Hưng Yên, Bắc Ninh.
Đường vành đai 4 kết nối Hà Nội với Hưng Yên, Bắc Ninh.

UBND TP Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của thành phố. Một trong những nội dung được bàn luận ưu tiên là việc xây dựng đường vành đai 4.

Tại cuộc họp nhiều đại biểu đã thống nhất quan điểm ưu tiên xây dựng đường vành đai 4. Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho rằng xây dựng đường vành đai 4 là ưu tiên quan trọng để tạo liên kết vùng với các tỉnh thành xung quanh; đường vành đai 4 sẽ đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội hơn là việc đầu tư các tuyến đường trong nội thành, rất tốn kém trong công tác giải phóng mặt bằng.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng yêu cầu rà soát nội dung phát triển vành đai 4 liên vùng thủ đô, đi qua Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh. Ông Tuấn lưu ý việc tìm kiếm nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông.

Dự án đường vành đai 4 của Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt năm 2013, đây là một trong nhưng dự án giao thông trọng điểm, dự kiến sẽ khởi công và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Quy hoạch đường vành đai 4 sẽ gồm 6 làn xe cao tốc và đường gom đô thị. Mặt đường rộng từ 90 m đến 135 m. Chiều dài toàn tuyến là 136,6 km; đi qua 16 huyện gồm: Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín, Sóc Sơn (Hà Nội), Văn Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm (Hưng Yên), Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành (Bắc Ninh); và Hiệp Hòa (Bắc Giang). Đường vành đai 4 sẽ vượt các sông Hồng, sông Đuống và sông Cầu.

Cũng tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cập nhật nội dung đổi mới trong công tác quy hoạch, tăng cường quản lý quy hoạch.

Theo đó, Hà Nội sẽ có 2 quy hoạch quan trọng là quy hoạch TP giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định trong xây dựng phát triển Thủ đô của Luật Thủ đô. Trong thời kỳ 5 năm, 2 quy hoạch phải hoàn thành; phấn đấu cuối năm 2022, hoặc muộn nhất là đến đầu năm 2023 phải phê duyệt 2 quy hoạch này.

Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của TP Hà Nội, đến năm 2025, thủ đô sẽ được xây dựng, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.

Mô hình tăng trưởng của thủ đô sẽ dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, thu nhập bình quân đầu người đạt 8.300-8.500 USD. Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm tới đạt khoảng 7,5-8%.

Đọc thêm