Hai “bài toán” trong lĩnh vực quản lý nhà đất với TP HCM

(PLVN) - Theo số liệu báo cáo của cơ quan chức năng, hiện TP HCM có hơn 11,5 ngàn nhà đất tái định cư chưa sử dụng. Trong khi đó vẫn còn gần 20 ngàn hộ gia đình sống trong các căn nhà tồi tàn trên và ven kênh, rạch.
Những căn nhà tồi tàn trong một khu tạm cư tại TP HCM
Những căn nhà tồi tàn trong một khu tạm cư tại TP HCM

Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn TP hiện còn tổng cộng 11.578 nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước để phục vụ nhu cầu tái định cư. Trong đó có 9.446 căn hộ và 2.132 nền đất. 

Nhằm phục vụ tạm cư, tái định cư dự án KĐTM Thủ Thiêm, dự án Khu Công nghệ cao và các dự án chỉnh trang đô thị, công ích có sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn năm 2019, UBND TP đã giao các quận, huyện quản lý, sử dụng 2.360 căn hộ và 1.050 nền đất. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2019, các địa phương mới sử dụng 230 căn hộ và 117 nền đất (đạt 11,11%), vẫn còn hơn 3.000 nhà đất vẫn chưa sử dụng. 

So với năm 2019, số lượng nhà đất hiện do quận, huyện quản lý có sự thay đổi do thu hồi tạm cư hoặc rà soát nguồn nhà chưa kỹ. Các địa phương tăng số nhà đất quản lý như quận 1, 8, 9, 10, Bình Thạnh, Bình Tân… Hai địa phương giảm số nhà đất quản lý là quận 2 và quận 9. 

Trong năm 2020, có 6 quận, huyện đăng ký sử dụng nhà đất phục vụ tạm cư, tái định cư ít hơn nguồn nhà đất đang quản lý, như quận 1, 9, Gò Vấp, Tân Phú và huyện Bình Chánh, Cần Giờ. Các địa phương còn lại đăng ký nhiều hơn nguồn nhà ở đang quản lý.

Theo Sở Xây dựng, các quận, huyện đăng ký số lượng nhà đất quản lý để phục vụ tạm cư, tái định cư phù hợp với tiến độ bồi thường, tái định cư các dự án chỉnh trang đô thị đang triển khai. Tuy nhiên, nguồn nhà đất vẫn chưa đảm bảo cho việc thực hiện công tác bồi thường các dự án cấp bách như Metro số 2, di dời các hộ trên và ven kênh, rạch, chung cư hư hỏng…

Riêng huyện Củ Chi, mặc dù địa phương này đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các hộ dân thuộc dự án Công viên Thảo Cầm viên mới nhưng lại không đăng ký sử dụng quỹ nhà đất.

“Thừa” nhà đất tái định cư như trên, nhưng ở TP HCM vẫn còn bộ phận người dân sinh sống tạm bợ trên các tuyến kênh, rạch; nên mới nói trong lĩnh vực quản lý nhà đất, TP HCM đang đối mặt hai “bài toán”. Theo Sở Xây dựng, hiện trên địa bàn có 21.851 căn nhà trên và ven kênh, rạch. Tập trung nhiều nhất ở Quận 8 (gần 10.000 căn), quận Bình Thạnh (hơn 1.800 căn), Quận 7 (hơn 1.700 căn), Quận 4 (1.600 căn)…

Tại quận Bình Thạnh, ngoài rạch Văn Thánh còn có rạch Xuyên Tâm (phường 15), rạch Bùi Hữu Nghĩa là các tuyến rạch ô nhiễm nặng, có vai trò giải quyết ngập úng, khơi thông dòng chảy và tiêu thoát nước trên địa bàn. Cùng với rạch Hàng Bàng (Quận 5 - Quận 6) giai đoạn 2 – 3 và rạch Bàu Trâu (quận Tân Phú – Quận 6), đây là những tuyến rạch được UBND TP dự kiến sẽ giải toả 13.350 căn nhà. 

Giai đoạn 3 dự án cải thiện môi trường nước TP, dự kiến sẽ giải toả 7.031 căn nhà trên toàn tuyến Kênh Đôi – Kênh Tẻ thuộc các quận 4, 7 và 8. Các tuyến kênh rạch đang thực hiện bồi thường 304 căn nhà có tuyến Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, cù lao Nguyễn Kiệu, công viên Hồ Khánh Hội giai đoạn 3 - 4…

Để thực hiện di dời 21.851 căn nhà trên và ven kênh, rạch nói trên, UBND TP có kế hoạch triển khai 61 dự án. Trong đó, 52 dự án thực hiện bằng vốn ngân sách, 6 dự án theo hình thức đối tác công tư PPP và 3 dự án xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị. 

Trong chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 – 2020, TP đưa ra chỉ tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn tất công tác di dời toàn bộ hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch. 

Tuy nhiên, tính đến cuối 2019, tổng số căn nhà đã bồi thường và di dời chỉ đạt 2.467 căn, tương ứng 12,34% so với kế hoạch. Dự kiến, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP sẽ bồi thường và di dời được 7.231. căn nhà, tỷ lệ 36,2%. 

Theo UBND TP, kết quả di dời nhà trên và ven kênh, rạch trên địa bàn chưa đạt như kỳ vọng vì nhiều nguyên nhân, như cơ chế, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng còn vướng mắc khi áp dụng; chưa tạo được sự đồng thuận của người dân. Công tác lập chủ trương đầu tư công, phê duyệt dự án, phương án bồi thường… còn kéo dài. 

Chưa có quy định riêng, đặc thù trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng cho các trường hợp thực hiện dự án chỉnh trang đô thị. Nguồn vốn dành cho chương trình chưa tương xứng với nhu cầu. 

Ngoài ra, UBND TP còn cho rằng, các dự án di dời nhà trên và ven kênh, rạch chưa thu hút được nhà đầu tư vì thiếu tính khả thi và hiệu quả. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, quỹ đất thanh toán, nguồn nhà và đất tái định cư…

Để giải quyết nhu cầu tạm cư, tái định cư cho những hộ dân thuộc dự án KĐTM Thủ Thiêm, dự án Khu Công nghệ cao và các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trong năm nay, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP giao UBND các quận, huyện sử dụng 3.899 căn hộ và nền đất.

Số nhà đất chưa sử dụng còn lại UBND TP tiếp tục quản lý. Trong đó, đề xuất thực hiện bán đấu giá 5.050 căn hộ và 42 nền đất đã có chủ trương bán đấu giá; đấu giá 108 căn hộ do quận, huyện quản lý nhưng không có nhu cầu sử dụng. 

Trả lời báo chí, ông Lê Hoà Bình, GĐ Sở Xây dựng cho hay quan điểm của Sở là hạn chế đầu tư xây dựng mới nhà ở tái định cư, chỉ sử dụng nguồn nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước hiện có để sử dụng hiệu quả, hạn chế việc xuống cấp, lãng phí.

Ưu tiên giao nguồn nhà đất cho các quận, huyện đã đăng ký thực hiện phù hợp tiến độ bồi thường tại các dự án chỉnh trang đô thị, công ích để bố trí tái định cư. Địa phương nào thừa nhà đất thì ưu tiên chuyển cho nơi khác phục vụ tái định cư cho các dự án trọng điểm.

Với quận, huyện sử dụng nhà đất chưa rõ ràng, đã bố trí nhưng báo cáo còn trống, GĐ Sở Xây dựng đề xuất UBND TP không giao quỹ nhà đất trong năm nay. Những địa phương có quỹ nhà đất nằm rải rác ở các dự án đã đầu tư xây dựng trên 5 năm và được giao quản lý rất lâu nhưng không sử dụng thì nên bán đấu giá để thu hồi vốn.

Đọc thêm