Hành lang pháp lý cho “digital banking”

(PLO) - Không chỉ là xu thế phát triển tất yếu trong tương lai mà ngân hàng số (digital banking) đang là hiện hữu trong hoạt  động ngân hàng (NH) Việt Nam với nhiều cơ hội và thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là khung khổ pháp lý bởi đây là loại NH có nhiều điểm khác biệt, rất mới so với mô hình NH truyền thống…
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Với tốc độ tăng trưởng internet 9%/năm và xếp hạng 15 trên thế giới, giới chuyên môn cho rằng Việt Nam có tiền đề tốt để xây dựng hệ thống NH số.

Tuy nhiên, theo Ths Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ hội thanh toán bao giờ cũng đi với thách thức, trở ngại gắn với bối cảnh, đặc điểm của thời đại số, đặc biệt là khía cạnh an ninh mạng và tính riêng tư của người sử dụng dịch vụ…

Tại Hội thảo “Hành lang pháp lý cho NH số tại Việt Nam” do NHNN tổ chức sáng qua, 19/12, Phó Thống đốc NHNN, ông Nguyên Kim Anh lưu ý, NH số là loại hình có nhiều điểm khác biệt, rất mới so với mô hình NH truyền thống từ phương thức thiết kế sản phẩm, chính sách, quy trình sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng… “Chính vì vậy, nền tảng khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển của NH số sẽ rất quan trọng…”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Đại diện các NH tham gia Hội thảo cũng tỏ ra sốt ruột khi các Thông tư, Nghị định liên quan đến hoạt động NH đã ban hành cách đây 5-7 năm.

“NH bị ràng buộc rất chặt, chúng tôi không được  phép bước qua ranh giới đó, trong khi nhiều đơn vị hoạt  động thanh toán như NH không bị ràng buộc…”,  ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc NH TMCP Tiên Phong (TPBank) lên tiếng.

Ông Hưng cũng chia sẻ rằng ông có 2 nỗi sợ lớn nhất, đó là sợ phải đi xin và sợ xin được rồi về bộ phận pháp chế “soi” rằng không đúng quy định. Dưới góc độ quản lý nhà nước, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Tiến Dũng cũng chia sẻ rằng ông cũng rất sợ khi phải “cho”.

“Về mặt pháp lý, mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, cấp phép và giám sát các tổ chức phi NH cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tuy nhiên vẫn còn trở ngại về mặt quy định, pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành, khiến thanh toán số chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng trẻ ưa tiện lợi, không thích quy trình, thủ tục gò bó, rườm rà cũng như tới những người dân chưa có tài khoản ngân hàng, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…”, ông Dũng  phân tích.

Tiện cho khách hàng nhưng Ủy viên HĐQT NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)  Phạm Anh Tuấn đã nêu lên một loạt thách thức khi các NH cung cấp dịch vụ NH số, đó là: Vấn đề xác thực  người dùng, ứng dụng chữ ký số; Vấn đề an toàn bảo mật dữ liệu, tội phạm mạng; Tính ổn định của hệ thống; Chuyển đổi công nghệ…

Tuy nhiên, theo đại diện NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ông Võ Tấn Long - Giám đốc khối công nghệ thông tin, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là về nhận thức chứ không phải công nghệ, khó khăn này không chỉ đến từ NH mà từ cả cơ quan chức năng và chính từ khách hàng… “Thanh toán số bây giờ không chỉ là cuộc chơi của các NH mà cả các đơn vị thanh toán không phải ngân hàng cũng tham gia. Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng chỉ cho phép các NH chỉ làm những  gì mà pháp luật cho phép…”, ông Long dẫn chứng và đề nghị “cần có cuộc cách mạng tư duy về làm chính sách của các bộ, ngành trong đó có NHNN …”.

“NH số là xu hướng chủ đạo hiện nay, giúp NH đa dạng và tối ưu các dịch vụ,  giảm chi phí, tăng khả năng kiểm soát và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Thực tế cho thấy, phát triển NH số ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển NH số, thanh toán số. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý hiện hành còn nhiều quy định chưa tương thích với bối cảnh số hóa dịch vụ, chưa thực sự thúc đẩy cho phát triển ngân hàng số, thanh toán số. Bởi vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như xây dựng hành lang pháp lý mới nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán trong kỷ nguyên số là rất cần thiết…”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh.

Đọc thêm