Hậu Giang: “Điểm nhấn” từ củng cố chất lượng Tổ Tiết kiệm và vay vốn

(PLO) - Theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hậu Giang, công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được Chi nhánh quan tâm, vì đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng tín dụng trên địa bàn. 

Hậu Giang là một trong những tỉnh quyết liệt triển khai Đề án nâng cao chất lượng tín dụng khu vực Tây Nam bộ giai đoạn 2012 – 2017 khi huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. 5 năm thực hiện Đề án, dư nợ tín dụng chính sách tại tỉnh Hậu Giang tăng lên nhưng tỷ lệ nợ quá hạn lại giảm.

Nếu như thời điểm 31/12/2011, dư nợ của NHCSXH Hậu Giang là 943.460 triệu đồng, nợ quá hạn hơn 78 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8,0% trên tổng dư nợ ủy thác, thì đến nay dư nợ đạt hơn 1.953 tỷ đồng, tăng 103,9% so với thời điểm xây dựng Đề án nhưng nợ quá hạn chỉ có 9.087 triệu đồng, giảm 70,3 tỷ đồng (giảm 88,6%), chiếm 0,47%/tổng dư nợ (giảm 7,82% so với thời điểm xây dựng Đề án).

Theo ông Nguyễn Thanh Triều – Giám đốc NHCSXH Hậu Giang, tỉnh đã tập trung phân tích nguyên nhân và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, chủ động xây dựng kế hoạch xử lý nợ đến hạn kịp thời nên hạn chế được nợ quá hạn phát sinh mới. NHCSXH tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác triển khai các biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn hộ vay trong quá trình sử dụng vốn vay để nâng cao hiệu quả đầu tư, đồng thời đôn đốc thu hồi nợ. Các đơn vị chủ động thông báo nợ đến hạn trước từ 2 đến 3 tháng để hộ vay chuẩn bị kế hoạch trả nợ, ngăn ngừa nợ quá hạn mới phát sinh.

Đồng thời, NHCSXH phối hợp với Tổ thu hồi nợ khó đòi cấp xã thường xuyên thực hiện rà soát, phân tích nợ của từng hộ vay có nợ quá hạn và nợ lãi tồn đọng lớn để có những biện pháp xử lý phù hợp. “Chi nhánh đã tích cực phối hợp với Tổ thu hồi nợ cấp xã, xử lý thu hồi nợ lãi tồn đọng, trước mỗi phiên giao dịch, cùng các Tổ trưởng Tổ TK&VV đôn đốc thu hồi đối với những hộ có điều kiện nhưng dây dưa chưa nộp lãi theo quy định; đối với những hộ vay có hoàn cảnh khó khăn để phát sinh lãi tồn đọng cao thì động viên, đôn đốc hộ vay cam kết chia theo nhiều kỳ” – ông Triều cho biết.

Trong quá trình thực hiện Đề án, công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV được Chi nhánh quan tâm, vì đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng tín dụng trên địa bàn. “Tôi còn nhớ vào tháng 5/2013, Tổng Giám đốc NHCSXH đã có văn bản chỉ đạo thực hiện kiện toàn Tổ và Ban quản lý tổ TK&VV nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ, Ban quản lý tổ TK&VV” – ông Triều nói.

Theo đó, chi nhánh cũng đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể nhận ủy thác thực hiện tốt công tác này. Để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV, chi nhánh chấm điểm đánh giá khả năng của Tổ trưởng. Qua thực tế, phần lớn các Tổ trưởng chưa nắm vững nghiệp vụ, ghi chép lưu trữ sai sót nhiều, nên chi nhánh đã tổ chức tập huấn và cấp sổ ghi chép cụ thể. 

Trước đây, Tổ TK&VV phân chia theo ấp, trong khi địa bàn rộng, nhà dân phân tán rải rác, cho nên gặp khó trong thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm. Chi nhánh thực hiện sắp xếp tổ theo hướng liền cư nhằm tăng cường thông tin hai chiều, giám sát và tương trợ giữa các thành viên. Kết quả cho thấy, việc sắp xếp lại các tổ đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ viên, khi có những việc cần sự hỗ trợ của Tổ trưởng luôn được giải đáp kịp thời và việc đi lại đóng lãi vay cũng thuận lợi hơn trước. Những buổi sinh hoạt được  tổ chức dễ dàng hơn, thu lãi đúng kỳ quy định.

Ngoài ra, các tổ viên đều là hàng xóm với nhau, nên họ hiểu được từng hoàn cảnh của nhau, nhờ đó việc hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau thoát nghèo như một lẽ tất yếu và công tác kiểm tra sử dụng nguồn vốn được chặt chẽ và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các mô hình làm ăn hiệu quả được triển khai, nhân rộng trong tổ viên nhanh chóng và công tác vận động tổ viên thực hiện tiết kiệm thuận lợi. Từ đó, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV.

Đến cuối tháng 3/2017, toàn chi nhánh có 2.289 tổ TK&VV, trong đó 1.907 tổ TK&VV xếp loại tốt (tương đương 83,3%), tăng 71,3% so với thời điểm xây dựng Đề án. 

Ðánh giá hiệu quả sau khi triển khai Đề án, Giám đốc Nguyễn Thanh Triều chia sẻ: “Không chỉ đơn thuần kéo giảm nợ quá hạn, mà ý nghĩa hơn là Đề án đã tạo được bước chuyển biến từ nhận thức, trách nhiệm của các bên tham gia mô hình tín dụng chính sách, nhất là đối với người dân…”. Trong giai đoạn 2012-2016, toàn tỉnh đã có trên 182 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần cùng với địa phương giúp trên 20 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo. 

Đọc thêm