Khách hàng “trông chờ” gì được vào ngân hàng?

(PLO) - Người dân bình thường vẫn suy nghĩ rằng ngân hàng là nơi đáng tin cậy để gửi tiền. Tuy nhiên, khi xảy ra tình trạng bị “mất tiền” như một số vụ việc gần đây, không ít người băn khoăn với câu hỏi: Liệu khách hàng có thể trông chờ gì được vào ngân hàng?
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Chủ tài khoản có nghĩa vụ gì?

Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

Đối với nghiệp vụ thanh toán qua tài khoản, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. 

Khoản 2 Điều 5 Thông tư này quy định chủ tài khoản thanh toán có các nghĩa vụ đảm bảo có đủ tiền trên tài khoản thanh toán để thực hiện các lệnh thanh toán đã lập. Trường hợp có thỏa thuận thấu chi với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản thì phải thực hiện các nghĩa vụ liên quan khi chi trả vượt quá số dư Có trên tài khoản.

Chủ tài khoản phải chấp hành các quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại Thông tư này, đồng thời kịp thời thông báo cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản khi phát hiện thấy có sai sót, nhầm lẫn trên tài khoản của mình hoặc nghi ngờ tài khoản của mình bị lợi dụng.

Bên cạnh đó, chủ tài khoản phải hoàn trả hoặc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoàn trả các khoản tiền do sai sót, nhầm lẫn đã ghi Có vào tài khoản thanh toán của mình, phải cung cấp đầy đủ, rõ ràng, chính xác các thông tin liên quan về mở và sử dụng tài khoản thanh toán.  Chủ thài khoản cũng phải thông báo kịp thời và gửi các giấy tờ liên quan cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản khi có sự thay đổi về thông tin trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán.

Chủ tài khoản còn có các nghĩa vụ: Duy trì số dư tối thiểu trên tài khoản thanh toán theo quy định của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình; không được cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán của mình; không được sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện cho các giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Như vậy, nếu chủ tài khoản bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình hoặc do sai sót của mình thì phải tự chịu trách nhiệm. 

Xác định lỗi, mới quy được trách nhiệm

Trở lại với vụ việc khách hàng của Vietcombank báo mất 500 triệu đồng gần đây, phía ngân hàng khẳng định nguyên nhân khách hàng bị mất tiền là do truy cập trang web giả mạo. Có lẽ khẳng định này là quá sớm và hơi vội vàng, bởi vì vụ việc này phải được xem xét dưới góc độ pháp lý, cụ thể là vấn đề tìm kiếm, thu thập, xác minh chứng cứ. Nếu khách hàng cho rằng mình truy cập trang web giả mạo và có những bằng chứng khác chứng minh điều này là đúng thì việc ngân hàng khẳng định như thế là có cơ sở và ngược lại.

Để xem xét trách nhiệm thuộc về ai thì đầu tiên phải chứng minh ai có lỗi trong vấn đề này. Đây là vấn đề cơ bản và mấu chốt. Nếu không chứng minh được lỗi, nếu không làm rõ hành vi vi phạm thì chưa thể nói được trách nhiệm thuộc về ai. Hiện nay, chủ tài khoản ngân hàng có thể tiến hành giao dịch điện tử, sau khi đăng ký sử dụng dịch vụ với ngân hàng thì có thể ngồi ở bất kỳ đâu với máy tính nối mạng internet với mật khẩu riêng là thực hiện được giao dịch chuyển tiền. 

Nhưng môi trường internet chứa đựng những rủi ro nhất định. Liên quan đến xử lý vi phạm pháp luật về giao dịch điện tử, điều 50 Luật Giao dịch điện tử quy định: “1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về giao dịch điện tử thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 2. Cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch điện tử thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử thì “gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Do đó, việc đầu tiên là phải chứng minh được tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại, sau khi đã “vạch mặt chỉ tên” được thì mới yêu cầu bồi thường.

Tuy nhiên, trong thế giới công nghệ, trong thế giới phẳng hiện nay thì việc truy tìm tổ chức, cá nhân gây thiệt hại về giao dịch điện tử không phải dễ dàng, bởi vì tổ chức, cá nhân có thể ở trong nước hoặc ở nước ngoài, hoạt động rất tinh vi. Nếu ở nước ngoài thì việc điều tra hết sức khó khăn, thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian vì liên quan đến hệ thống pháp luật quốc tế. 

Có thể nói, trong giao dịch điện tử thì không một quốc gia nào có thể khẳng định là hệ thống an ninh mạng đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ngay cả nước có nền khoa học, công nghệ tiên tiến bậc nhất như Hoa Kỳ vẫn bị tin tặc tấn công. Không một tổ chức, cá nhân nào dám khẳng định chắc chắn rằng không có những vụ mất tiền tiếp theo trong tài khoản ngân hàng nữa.

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin thì tổ chức, cá nhân cần phải xem xét lại hệ thống bảo mật. Điều này là hết sức cần thiết nhưng chưa đủ. Trong khi mỗi cá nhân cần nâng cao hơn nữa ý thức tự bảo vệ, thì về phía ngân hàng khi xảy ra tranh chấp nên giải quyết những kiến nghị của khách hàng một cách thiện chí, chuyên nghiệp, bài bản để “giải đáp, xử lý kịp thời các thắc mắc, khiếu nại trong quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán” (điểm i khoản 2 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-NHNN).

Đọc thêm