Khẳng định hiệu quả của tín dụng chính sách

(PLO) - Với trên 20 chương trình tín dụng chính sách được Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho nhiều đối tượng với mục tiêu đa dạng, đã tạo nên bước đột phá về cải thiện điều kiện sống và việc làm cho người nghèo, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. 
Nguồn vốn ưu đãi đã tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách thoát nghèo bền vững góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia
Nguồn vốn ưu đãi đã tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách thoát nghèo bền vững góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia

Tín dụng chính sách trong chương trình giảm nghèo bền vững

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, chương trình mục tiêu giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã đặt ra từng mục tiêu cụ thể. 

Thứ nhất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1%-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, để phấn đấu đạt mục tiêu này, năm 2017, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại 100% các xã, phường trên toàn quốc và giúp gần 400.000 hộ vượt ngưỡng nghèo.

Thứ hai, mục tiêu cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015. Cùng đồng hành với mục tiêu này, các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đã thu hút và tạo việc làm cho trên 204.000 lao động, giúp gần 400.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; trên 65.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập trong năm.

Thứ ba, với mục tiêu cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thuỷ lợi nhỏ, nước sinh hoạt, NHCSXH có chương trình cho vay để xây dựng nhà ở, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trong năm 2017, vốn tín dụng chính sách hỗ trợ xây dựng gần 46.000 căn nhà ở cho hộ nghèo và hộ dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Riêng tại địa bàn các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, doanh số cho vay đến hết năm 2017 đạt 4.265 tỷ đồng/148.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 14.125 tỷ đồng/545 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ bình quân huyện nghèo là 221 tỷ đồng. 

Tín dụng chính sách trong chương trình xây dựng nông thôn mới

Trong 19 tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp người dân các xã đang xây dựng nông thôn mới, đạt một số tiêu chí như: Về tiêu chí việc làm, năm 2017, vốn tín dụng chính sách đã giúp thu hút và tạo việc làm cho trên 204.000 lao động; giúp gần 4.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Tiêu chí giáo dục và đào tạo, vốn tín dụng chính sách giúp gần 65.000 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập trong năm. Với tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, vốn tín dụng chính sách đã góp phần xây dựng trên 1,2 triệu công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn. Tiêu chí nhà ở dân cư, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ xây dựng gần 46.000 căn nhà ở cho hộ nghèo và hộ dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

NHCSXH coi việc tăng cường nguồn vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ, hộ nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân là nhiệm vụ hàng đầu tại các xã đang xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2017, tổng doanh số cho vay cho các xã này đạt gần 34.000 tỷ đồng, chiếm trên 61% tổng doanh số cho vay của NHCSXH; tổng dư nợ các xã nông thôn mới đạt 108.815 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 63,3% tổng dư nợ. Với số vốn tín dụng chính sách trên, năm 2017, tại các xã nông thôn mới đã có trên 1,3 triệu lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH. 

Trong những năm tới, NHCSXH bảo đảm 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Tập trung huy động nguồn lực và tổ chức triển khai cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Đồng thời, tiếp tục phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động của của tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội...

Đọc thêm