Không thu hồi đất vì “lợi ích nhóm”

(PLO) - Thu hồi đất là một trong những nguyên nhân phát sinh nhiều khiếu kiện, bức xúc thời gian qua và cũng là nội dung được nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường chiều qua (22/11).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở phát biểu ý kiến
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở
phát biểu ý kiến
Tránh nhập nhằng giữa các dự án thu hồi đất
Là một trong những ĐBQH ủng hộ sự cần thiết thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), Đại biểu (ĐB) Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị, vấn đề quan trọng là phải xác định rõ, tránh lợi dụng thu hồi đất để phục vụ lợi ích riêng, lợi ích nhóm vì thực tế đã có nhiều trường hợp lợi dụng “thu hồi đất cho các dự án mục đích phát triển KT-XH”, gây bức xúc vì đất sinh hoạt, đất sản xuất của người dân bị thu hồi làm khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới… 
Bởi theo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn, quan trọng của đất nước”. Nên để hạn chế tình trạng thu hồi tràn lan, “nhập nhằng” giữa các dự án được thu hồi đất, ĐB Lê Thị Tám (Yên Bái) đề nghị qui định rõ những “dự án qui mô lớn và quan trọng của đất nước” để được thu hồi đất vì mục đích phát triển KT-XH. 
Một vấn đề được các ĐBQH đề nghị trong qui định về thu hồi đất vì mục đích phát triển KT-XH là “gắn trách nhiệm của người ra quyết định thu hồi đất”. Theo ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), đó là giải pháp để ngăn chặn “sự ra đời” của các quyết định thu hồi đất không căn cứ theo thực tế, dẫn đến bức xúc trong nhân dân. 
Tạo điều kiện tối đa cho người dân tham gia vào xây dựng qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất là giải pháp được nhiều ĐBQH kiến nghị bổ sung vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bởi như phân tích của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), thời gian qua, các lợi ích từ giá trị sử dụng đất phần lớn rơi vào các “đại gia bất động sản” do biết thông tin về qui hoạch, trong khi người dân lại bị thiệt hại vì không biết đến qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
Qui định giá đất phải minh bạch
Bức xúc của người dân sau mỗi quyết định thu hồi đất, theo một số ĐBQH là ở chuyện đền bù, tái định cư. Vì thế, một số ĐBQH kiến nghị bổ sung qui định dự án có thu hồi đất phải có dự án tái định cư mới được thực hiện thu hồi đất, không thể “đẩy người dân ra đường với một ít tiền đền bù là xong việc”. 
Cùng với vấn đề này, việc xác định giá bồi thường cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Nhiều ĐBQH phản ánh, khiếu kiện đất đai dai dẳng, phức tạp do giá đền bù nên ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, cần qui định rõ giá thị trường biến động bao nhiêu phần trăm thì được điều chỉnh giá đất làm căn cứ tính giá đền bù để công khai, minh bạch.  
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giá đất tăng lên sau khi có quy hoạch là do đất đó được chuyển mục đích sử dụng hoặc đã được đầu tư hạ tầng. Phần giá trị tăng lên này không phải do công sức đầu tư của người sử dụng đất nên Nhà nước cần điều tiết và bổ sung vào ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ cho người có đất thu hồi nhằm ổn định đời sống và chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm.

Đọc thêm