Làm gì để việc mua nhà xã hội khiến người dân hạnh phúc?

(PLO) -Việc chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội được coi là một trong các biện pháp “cấp cứu” thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để thực hiện được lại không hề đơn giản, vì các cấp, ngành đều nói ủng hộ nhưng khi bắt tay vào làm thì vướng  thủ tục quá nhiêu khê...
Ông Nguyễn Phụng Thiều – Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn – Gia Định, được coi người đầu tiên “thí điểm” mô hình này từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, trao đổi xung quanh hiện trạng này. 
- Thưa ông, từ 20 năm trước, ông và Cty PTN Tân Bình từng là đơn vị đầu tiên của TP triển khai thí điểm xây dựng nhà trả góp, cho thuê tại Khu dân cư (KDC) Bàu Cát và Tân Sơn Nhì, Q.Tân Bình. Thời điểm đấy so với bây giờ, thuận lợi, khó khăn ra sao?
- Thực tình mà nói, nếu so sánh 2 giai đoạn thì thật là khó. Bởi nhiều vấn đề, “thiên thời - địa  lợi - nhân hòa” cũng khác nhau, thời thế và thách thức cũng khác nhau nên chúng tôi khó diễn tả được, chỉ nêu một số nét lớn như sau:
Phối cảnh dự án Khu chung cư dành cho người thu nhập thấp của Cty Sài Gòn – Gia Định
 Phối cảnh dự án Khu chung cư dành cho người thu nhập
thấp của Cty Sài Gòn – Gia Định
Một là, thời điểm những năm 1990, nền kinh tế bắt đầu đổi mới, niềm tin về đất nước phát triển đang dâng trào, giống như đời người vào lứa tuổi 18 -20 lạc quan, “ yêu đời, yêu người, yêu đất nước và yêu em” như nhạc sỹ Phan Nhân đã nói trong một bài hát của ông vậy.
Từ đó, công việc thực hiện thí điểm chương trình nhà trả góp cho thuê (Q.Tân Bình thực hiện khoảng 1.000 căn chung cư, nhà trệt tại KDC Bàu Cát, Tân Sơn Nhì, chung cư Nhiêu Lộc A, Nhiêu Lộc B) rất thuận lợi, được sự đồng tình ủng hộ từ người dân, chính quyền  địa phương và thành phố, kể cả các đồng chí Trung ương như nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộ, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm… Các đồng chí trên thường xuyên về thăm cơ sở và động viên, dù lúc đó TP.HCM làm trước vì chưa được phép của Chính phủ.
Hai là, thủ tục giấy tờ thời đó rất đơn  giản, chỉ cần chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND TP thời bấy giờ (ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp) là chúng tôi triển khai ngay, nói thực, sau đó mới hợp thức hóa giấy tờ. Khi đó chưa có văn bản pháp luật chặt chẽ như bây giờ,  mà giải quyết từng việc cụ thể theo chủ trương của lãnh đạo thành phố qua công văn hay trong các phiên họp, phải nói là rất đơn giản, nên nhanh lẹ, từ đó chương trình xây dựng  nhà trả góp cho thuê cũng đơn giản, làm việc rất hăng say, vô tư, nhiệt tình, làm không sợ sai sót, làm hết mình.
Bây giờ thì làm bài bản, đúng quy trình pháp luật vì sợ kết tội “làm trái qui định… gây hậu quả nghiêm trọng” (cười)!. Đây vừa là mặt tốt, vừa là trở ngại trong các thủ tục, cái khó là sao cho dung hòa được thực tiễn và tính pháp lý, từ đó đòi hỏi người lãnh đạo thực sự là người nhạc trưởng thì công việc mới chạy được.
Thứ ba là lòng dân: Đối tượng mua nhà trả góp cho thuê lúc bấy giờ là cán bộ công nhân viên hành chính sự nghiệp, bộ đội, dân lao động nghèo… nhưng họ rất tích cực. Theo hợp đồng mua trả góp, người mua đóng trước 50% (10 triệu đồng) còn 50% trả góp trong vòng 10 năm, nhưng thực tế đa số bà con đóng đủ lấy chủ quyền nhà trong vòng 3 -5 năm.
Phải nói, người dân rất nhiệt tình với công ty và với chính quyền địa phương trong việc giao đất, không tính toán so đo, hầu như không có kiện thưa, cản trở nên công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà thu nhập thấp, cho thuê thí điểm tại Q.Tân Bình thời bấy giờ hết sức thuận lợi và mọi người rất vui vẻ và hạnh phúc.
- Trở lại việc thực hiện xây dựng nhà ở xã hội hiện nay và đặc biệt với dự án 360 căn nhà ở xã hội do Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn - Gia Định đề xuất, ông đánh giá thế nào?
- Phải nói, Nghị quyết 02/CP và Thông tư 02/BXD là chìa khóa mà chính quyền, doanh nghiệp và người dân lúc đầu đón nhận hồ hởi, phấn khởi, nhưng qua thực tế triển khai chúng tôi và nhiều doanh nghiệp, kể cả ban, ngành chức năng đều chung nhận xét  là việc triển khai quá chậm đi vào cuộc sống.
Việc này Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo thành phố cũng đã có ý kiến. Riêng dự án 360 căn chung cư chuyển từ nhà thu nhập thấp sang nhà ở xã hội, theo tôi là thủ tục rất nhiêu khê dù không thay đổi qui hoạch, không tăng số lượng căn hộ.
Và mặc dù UBND TP.HCM, Sở Xây dựng đã có công văn đồng thuận về việc thực hiện chương trình này, Bộ Xây dựng cũng đã có công văn gửi Sở Xây dựng đề nghị tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp giải quyết nhanh các thủ tục để triển khai từ quý II/2013, nhưng đến hôm nay chúng tôi vẫn chưa nhận được quyết định chính thức từ thành phố. Chương trình triển khai quá chậm làm cho doanh nghiệp chúng tôi mòn mỏi vì thủ tục và vì chờ đợi.
- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm