Mua nhà đơn lẻ có thể được vay gói 30.000 tỷđồng

(PLO) - Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, trong đó cho công chức vay xây nhà. Tuy nhiên, công chức sẽ được vay 300 triệu hay 840 triệu đồng vẫn là quan điểm bất đồng giữa các cơ quan này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trình Chính phủ đề xuất về những giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở và tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cả Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đều thống nhất kiến nghị kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân từ 10 năm lên 15 năm. Hai cơ quan cũng cùng đề xuất mở rộng đối tượng vay vốn đối với hộ gia đình, cá nhân tại đô thị mua nhà ở thương mại riêng lẻ có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá).  
Liên quan đến đề xuất các hộ dân ở đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở được vay để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, Bộ Xây dựng muốn hạn mức vay không vượt quá 840 triệu đồng (tương đương với 80% giá trị tài sản).
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước lại quan niệm mức cho vay đối tượng này phải thấp hơn mức cho vay đối với nhà ở xã hội, vì thế, Ngân hàng Nhà nước chỉ đồng ý đề xuất hạn mức cho vay tối đa đối với nhóm đối tượng này là không quá 300 triệu đồng/khách hàng.
Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung đối tượng cho vay là các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng chưa đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, lũ được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất 4%/năm. 
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước lại có quan điểm khác. Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay Chính phủ đã có chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở đối với các vùng ngập lũ. “Mặt khác, việc cho vay của các ngân hàng thương mại nhà nước được thực hiện theo cơ chế tín dụng thương mại nên người vay cần phải có thu nhập đảm bảo trả gốc và lãi định kỳ cho ngân hàng. 
Theo đó, việc đưa vào chương trình các đối tượng này khó khả thi và rất nhạy cảm trong trường hợp đưa vào triển khai nhưng không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Đồng thời, thực tế tại các khu vực nông thôn vùng ven biển thường xuyên bị bão lũ chủ yếu chỉ có mạng lưới của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vì vậy nếu đưa vào chính sách thì người dân khó có điều kiện tiếp cận vốn vay” – Ngân hàng Nhà nước nhận định. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước không đồng ý đưa đối tượng này vào gói 30.000 tỷ đồng.

Đọc thêm