Năm 2017, VPBank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng

(PLO) - Chiều ngày 10/4/2017, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.
Năm 2017, VPBank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng

Tăng trưởng mạnh năm 2016

Theo báo cáo được trình bày tại đại hội, năm 2016, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 4.929 tỷ đồng, tăng 59% so với năm 2015 và vượt 54% so với kế hoạch đề ra. Dư nợ tín dụng tăng trưởng 24%, huy động vốn khách hàng tăng 13% trong khi tổng tài sản tăng trưởng 18%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,9% trên tổng dư nợ.

Kế hoạch năm 2017, ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Tại đại hội, ngoài các kế hoạch kinh doanh 2017, đại diện VPBank cũng trình cổ đông về tờ trình phân phối lợi nhuận; phương án tăng vốn; tờ trình về chủ trương mua lại/thành lập/bán và các giao dịch với các công ty con; tờ trình sửa đổi bổ sung giấy phép hoạt động và tờ trình bầu thay thế thành viên Ban kiểm soát (BKS).

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc ngân hàng, năm qua hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch, chỉ có chỉ tiêu tổng tài sản là thấp hơn chút ít. Cũng theo ông Vinh, VPBank là ngân hàng tham gia nhiều vào các hoạt động cho vay rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu nhìn con số thì lớn so với các ngân hàng trong hệ thống, với 2,9% (trong đó ngân hàng là khoảng 2% và công ty tài chính hơn 4%) song tất cả vẫn nằm trong vùng an toàn. Nhưng theo ông Vinh, con số cũng phản ánh phân khúc VPBank kinh doanh có độ rủi ro cao hơn. Dẫu vậy ngân hàng đã trích lập dự phòng khá chặt chẽ và có thể nói là lớn nhất hệ thống.

Ngoài ra, năm 2016 VPBank còn tăng mạnh về quy mô khách hàng với hơn 5 triệu khách hàng có tài khoản đăng ký với ngân hàng, trong đó 3,3 triệu khách hàng thường xuyên giao dịch. Ngân hàng nhận thấy tiềm năng khách hàng rất lớn khi tỷ lệ sử dụng sản phẩm của mỗi khách hàng hiện còn thấp ở mức hơn 1 sản phẩm và ngân hàng đang hướng tới mục tiêu mỗi khách hàng sử dụng hơn 2 sản phẩm, VPBank sẽ trở thành một ngân hàng bán lẻ rất mạnh.

Đối với mảng thẻ tín dụng được nhiều ngân hàng tập trung kinh doanh hiện nay, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết VPBank là ngân hàng nằm trong top các ngân hàng phát hành nhiều thẻ tín dụng nhất, với hơn 160 nghìn thẻ và mảng này cũng bắt đầu đem về lợi nhuận cho ngân hàng từ năm ngoái.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank phát biểu tại Phiên họp
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank phát biểu tại Phiên họp

Năm 2017, cần tăng vốn thêm 3.000 – 4.000 tỷ

Cũng theo đại diện VPBank cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2017 trình Đại hội đồng cổ đông thì chỉ tiêu tổng mức dư nợ cho vay và trái phiếu doanh nghiệp năm 2017 của VPBank ước đạt 200.591 tỷ đồng.

Với kế hoạch này và ảnh hưởng tác động của thông tư 35/2016-TT-NHNN thì để đảm bảo hệ số CAR của ngân hàng tối thiểu 9%, dự kiến tổng vốn tự có của ngân hàng tối thiểu phải là 18.000 tỷ đồng. Đồng thời, với mục tiêu đảm bảo an toàn vốn theo các chỉ tiêu quản trị nội bộ cũng như các cam kết với các đối tác quốc tế và để chuẩn bị cho các kế hoạch kinh doanh mở rộng cho các năm tiếp theo, Ngân hàng liên tục cần tăng trưởng vốn tự có trong hoạt động của mình.

Với vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng là 10.765 tỷ đồng và số vốn tự có tương ứng khoảng 15.400 tỷ đồng thì thì trong năm 2017 VPBank cần bổ sung thêm khoảng 3.000 đến 4.000 tỷ đồng vào Vốn điều lệ để đáp ứng các nhu cầu hoạt động của ngân hàng và đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong quá trình hoạt động.

Do vậy năm nay ngân hàng có kế hoạch tăng vốn bằng hai đợt. Đợt 1 sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, tổng cộng 3.293 tỷ đồng. Dự kiến vốn điều lệ sau khi tăng sẽ đạt 14.059 tỷ đồng. Đợt 2 là phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước để tăng vốn với mức tối đa là 1.332 tỷ đồng.

Đọc thêm