Ngân hàng mua trái phiếu có ảnh hưởng đến hoạt động cho vay?

(PLO) - Là nhà đầu tư (NĐT) chính trên thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) và có thời điểm tỷ lệ nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại (NHTM) lên tới gần 80%. Điều này có ảnh hưởng đến việc cho vay của ngân hàng? Xung quanh vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính
Bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính

Xin bà cho biết, cơ cấu NĐT trên thị trường TPCP hiện nay như thế nào?

- Tính đến cuối tháng 7/2018, tỷ lệ nắm giữ của các NHTM là 51,1% danh mục còn lại do các NĐT là BHXH Việt Nam, các công ty bảo hiểm (trong đó chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ), Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, NĐT nước ngoài và các NĐT khác nắm giữ. Đặc biệt thời gian gần đây đã có một số NĐT offshore (NĐT tham gia thị trường chứng khoán) bắt đầu quan tâm đến thị trường TPCP Việt Nam, cụ thể trong năm 2017, Bộ Tài chính đã phát hành được khoảng 11.000 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 20, 30 năm cho NĐT offshore.

Như vậy, thời gian qua có sự thay đổi căn bản theo hướng giảm tỷ lệ nắm giữ của các NHTM, tăng tỷ lệ nắm giữ của BHXH, các công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư. Nếu như năm 2014, tỷ lệ nắm giữ TPCP của NHTM là 79,7% đến nay đã giảm xuống còn 51,1%; nếu so với Trung Quốc, Thái Lan thì còn thấp hơn (lần lượt là 68% và 60%). Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, chúng tôi còn đẩy mạnh sự tham gia của BHXH Việt Nam mua bán trên thị trường TPCP theo nguyên tắc thị trường giống như một thành viên thị trường, làm cho thị trường ngày càng đa dạng hơn về hệ thống NĐT.

Đồng thời, với chủ trương đa dạng hóa hệ thống các NĐT trên thị trường, Bộ Tài chính cũng đã tập trung xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển các NĐT dài hạn, tạo cầu bền vững cho thị trường, bao gồm: Quỹ hưu trí tự nguyện; quỹ bảo hiểm liên kết; khuyến khích hoạt động đầu tư vào trái phiếu của các công ty bảo hiểm, Bảo hiểm tiền gửi, NĐT nước ngoài. Do đó, có thể nhận xét rằng thị trường TPCP hiện nay không còn lệ thuộc vào các ngân hàng.

Nhưng tỷ lệ nắm giữ TPCP của các NHTM vẫn trên 50%. Liệu điều này có ảnh hưởng đến việc cho vay của các NHTM?

- Tôi khẳng định việc mua TPCP của các NHTM không ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của các ngân hàng, thể hiện ở các điểm sau:

Về mục đích: NHTM nắm giữ TPCP với 2 mục tiêu: mua và nắm giữ trái phiếu để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn và sinh lời, và mua để kinh doanh trái phiếu khi có nguồn vốn nhàn rỗi nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Trong quá trình hoạt động, các NHTM luôn tuân thủ nghiêm ngặt các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Như vậy, việc nắm giữ TPCP của các NHTM vừa đáp ứng nhu cầu đảm bảo an toàn vốn trong kinh doanh vừa tối đa hoá hiệu quả sử dụng vốn nhàn rỗi trong phạm vi an toàn của NHNN. Bên cạnh đó, TPCP cũng là công cụ hỗ trợ để NHNN điều hành chính sách tiền tệ như thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, cho vay tái cấp vốn.

Về số liệu: Tại thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ đầu tư TPCP chiếm 7,28% tổng tài sản hệ thống ngân hàng, trong khi dư nợ tín dụng chiếm 65% tổng tài sản, tương đương 130% GDP.

Hiện nay quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) còn nhỏ so với kênh tín dụng ngân hàng và so với quy mô thị trường TPDN của các nước trong khu vực, vậy giải pháp nào để thị trường TPDN trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế?

- Tính đến thời điểm cuối năm 2017, dư nợ của thị trường TPDN tương đương 6,19% GDP, tăng so với quy mô của năm 2011 (3,31% GDP). Khối lượng phát hành bình quân giai đoạn 2011 - 2017 khoảng 49 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó khối lượng phát hành năm 2017 gấp hơn 10 lần so với năm 2011. Mặc dù quy mô thị trường TPDN có sự tăng trưởng trong thời gian gần đây nhưng còn nhỏ so với quy mô của kênh tín dụng ngân hàng (tương đương 130% GDP). Dư nợ thị trường TPDN Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 20%-50% GDP của các nước trong khu vực và chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế. 

Theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, định hướng phát triển thị trường trái phiếu để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, từng bước giảm phụ thuộc vào ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN huy động vốn trái phiếu. Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành triển khai đồng bộ một số giải pháp.

Một là, hoàn thiện khung pháp lý về phát hành TPDN theo hướng tách bạch phương thức phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 90 về phát hành TPDN riêng lẻ, trong đó nới lỏng điều kiện phát hành để tạo thuận lợi cho DN huy động vốn trái phiếu gắn với việc tập trung vào NĐT có tổ chức, tăng cường cơ chế công bố công khai thông tin của DN phát hành để bảo vệ quyền lợi của các NĐT. Ngoài ra, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Luật Chứng khoán thế hệ 2, trong đó đánh giá khả năng gắn xếp hạng tín nhiệm vào phát hành TPDN ra công chúng. Bên cạnh cơ chế phát hành, sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách về đầu tư, nắm giữ TPDN đảm bảo đồng bộ với các cơ chế chính sách hiện hành trên thị trường tiền tệ, tín dụng nhằm tạo sự liên thông, giữa phát triển thị trường TPDN và thị trường tiền tệ – tín dụng.

Hai là, đa dạng hóa cơ sở NĐT trên thị trường trái phiếu, có chính sách khuyến khích sự tham gia của các NĐT dài hạn như DN bảo hiểm, hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện. Ngoài ra, theo Nghị quyết 28 ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành TW về đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH, nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao theo nguyên tắc bảo đảm an toàn, bền vững. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu cơ chế chính sách đầu tư của BHXH để trình cấp có thẩm quyền cho phép BHXH đầu tư một phần vào các TPDN có xếp hạng tín nhiệm cao.

Ba là, để nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường trái phiếu của các DN, cần tăng cường năng lực quản trị công ty, chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính, nâng cao nghĩa vụ công bố thông tin của DN, tăng cường thông tin tuyên truyền để các DN quan tâm và tham gia huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ chính sách tín dụng theo hướng có lộ trình giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn; hạn chế tối đa cho vay vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của các tổ chức tín dụng đối với một khách hàng để giảm bớt rủi ro về kỳ hạn, nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng và thúc đẩy việc huy động vốn qua phát hành TPDN…

Xin cám ơn bà!

Đọc thêm