Ngân hàng xác nhận có vốn để đào hầm đường bộ qua Đèo Ngang

(PLO) - Đại diện “Tổng” Sông Đà đã xuất trình một số tài liệu chứng minh đơn vị này đủ khả năng làm chủ đầu tư Dự án hầm đường bộ qua Đèo Ngang. Trong đó có bản cam kết tài trợ vốn của Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Tây và nguồn vốn chủ sở hữu trị giá hơn 140 tỷ đồng mà doanh nghiệp này đang nắm giữ.
Xác nhận TCty Sông Đà đã “bơm” vào dự án này hơn 140 tỷ đồng vừa được BIDV Hà Tĩnh phát hành hôm 29/3

Xác nhận TCty Sông Đà đã “bơm” vào dự án này hơn 140 tỷ đồng vừa được BIDV Hà Tĩnh phát hành hôm 29/3

BIDV tài trợ 85% giá trị dự án? 

TCty Sông Đà đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để được chọn làm nhà đầu tư Dự án mở rộng hầm đường bộ Đèo Ngang, trị giá trên 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, như PLVN đã thông tin, trước đó Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khi kiểm tra “sức khỏe” nhà đầu tư đã có những lưu ý về năng lực tài chính của TCty Sông Đà, với nội dung: “Theo báo cáo tài chính năm 2014, TCty Sông Đà hiện không còn vốn chủ sở hữu”.

Về vấn đề này, ông Đặng Văn Chiến, Chánh Văn phòng TCty Sông Đà mới đây đã lên tiếng: “Chúng tôi đủ khả năng để làm chủ đầu tư Dự án mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang. Cụ thể, dự án đã có cam kết của ngân hàng thương mại về tài trợ vốn và cũng đã huy động đủ nguồn vốn chủ sở hữu để thực hiện công trình theo đúng quy định của Bộ GTVT”.

Ngày 29/3, ông Trịnh Xuân Phúc, Giám đốc Cty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà (đơn vị trực tiếp triển khai dự án) đã xuất trình Văn bản số 0705/BIDV.HT-KHDN1 của BIDV Chi nhánh Hà Tây, trong đó ngân hàng này khẳng định sẽ đồng hành cùng hoạt động sản xuất kinh doanh của TCty Sông Đà.

“BIDV Hà Tây được biết quý TCty đang thực hiện Dự án đầu tư mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang theo hình thức BOT, với tinh thần hợp tác và chia sẻ cùng phát triển, BIDV Hà Tây đề nghị tiếp tục đồng hành cùng quý TCty để tài trợ vốn và cung cấp các dịch vụ ngân hàng khác cho dự án nói trên”, Giám đốc BIDV Hà Tây Trịnh Minh Tâm nêu rõ.

Ngoài ra, ông Phúc còn khẳng định BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh cũng đang quản lý dòng tiền trị giá hơn 140 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu mà công ty mẹ đã chuyển cho Cty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà để triển khai Dự án hầm đường bộ qua Đèo Ngang. Phần còn lại (85% giá trị dự án) sẽ sử dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng thương mại.

Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính xác minh

Theo đại diện của TCty Sông Đà, đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành Báo cáo đánh giá tác động môi trường và khung giá đền bù tại địa bàn triển khai dự án (Hà Tĩnh, Quảng Bình) để tới đây trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Về phương án kỹ thuật, ống hầm mới (hầm 2) sẽ được điều chỉnh về phía Tây so với ống hầm hiện hữu (hầm 1).

Trao đổi với PLVN, ông Trần Hữu Hải - Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 4 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) – là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án này cho hay, đến thời điểm này, nhà đầu tư dự kiến của dự án đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý, kỹ thuật để trình Bộ GTVT xem xét quyết định.

“Tổng” Sông Đà cho biết họ đang trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn và tới đây sẽ có đủ nguồn lực để triển khai dự án này. Nhưng để đảm bảo nhà đầu tư tham gia dự án phải thực sự  là đơn vị có năng lực, vì thế Bộ GTVT vẫn đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra lại một cách chính xác khả năng của đơn vị này”, ông Hải nói. 

Dự án mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang có tổng mức đầu tư khoảng 820 tỷ đồng. Tổng chiều dài là 2,76km, với đường dẫn phía Bắc và phía Nam hầm là 1,9km, chiều dài cầu dẫn phía Bắc và phía Nam hầm 181m, chiều dài ống hầm giao thông 630m. Chiều rộng nền đường 12m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa trên lớp móng cấp phối đá dăm, tốc độ thiết kế để xe chạy trong hầm 60km/giờ. Dự án có điểm đầu tại km591+550 huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và điểm cuối là km594+339 thuộc huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).

Trước đó, TCty Sông Đà đã đầu tư, đưa vào khai thác ống hầm thứ nhất theo hình thức BOT, và nay lại muốn trở thành nhà đầu tư của ống hầm thứ 2 dự kiến sẽ khởi công trong năm nay. Theo quan sát trên QL1A, lưu lượng phương tiện qua hầm đường bộ Đèo Ngang khá ổn định rất đảm bảo việc thu phí hoàn vốn và có lãi cho nhà đầu tư; vì thế, ngoài “Tổng” Sông Đà, một số doanh nghiệp khác cũng quan tâm đến dự án này? 

Tiền đã “nổi” trên tài khoản nhà đầu tư

Ông Kiều Đình Hòa - Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh hôm qua (29/3) đã ký Văn bản số 127/BIDV.HTI-KHDN xác nhận, tính đến 9h30 ngày 28/3, số dư tiền gửi của TCty Sông Đà tại ngân hàng này là hơn 140 tỷ đồng. “Trên cơ sở đề nghị của TCty Sông Đà, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh sẽ phối hợp quản lý số tiền trên của TCty Sông Đà tại BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh sử dụng cho việc thanh toán các hạng mục của Dự án mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang”, Giám đốc BIDV Hà Tĩnh cam kết.

Đọc thêm