Ngành Ngân hàng cần giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp

(PLO) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu như vậy tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2017 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hôm qua (5/1). 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Đánh giá những kết quả tích cực trong năm 2016 có sự đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng, mạch máu của nền kinh tế, Thủ tướng còn chỉ ra, lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ngân hàng vẫn còn một số bất cập, hạn chế do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên ngành ngân hàng cần nhìn thẳng vào nguyên nhân chủ quan để có biện pháp khắc phục.

Cụ thể, mức độ an toàn hệ thống vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Mặt bằng lãi suất, nợ xấu còn cao. Việc xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém còn chậm, chưa thực chất, nhất là các ngân hàng thương mại mua lại giá 0 đồng và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt. Các chuyên gia ví đây là “điểm nghẽn cốt lõi” của nền kinh tế; nếu không xử lý triệt để thì sẽ không thể giảm được mặt bằng lãi suất cũng như ổn định kinh tế vĩ mô bền vững. 

Kết quả xử lý nợ xấu của VAMC còn thấp do cơ chế, chính sách và năng lực của chính VAMC. Rủi ro hoạt động tín dụng vẫn đáng lo ngại do nhiều tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh cho vay đầu tư trung, dài hạn làm gia tăng chênh lệch kỳ hạn giữa huy động vốn và cho vay.

Thủ tướng nhấn mạnh, NHNN cần đi tiên phong để góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Trong năm 2017, NHNN phải vừa thực hiện tốt các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát dưới 4%, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải có đột phá trong xử lý các ngân hàng yếu kém và nợ xấu, đồng thời góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% đã đề ra. 

Thủ tướng lưu ý 2 vấn đề về cơ cấu tín dụng đối với hệ thống ngân hàng. Đó là chú trọng những ngành lĩnh vực góp phần cho tăng trưởng, giải quyết việc làm, xuất khẩu như nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch, chương trình khởi nghiệp quốc gia. Lưu ý thứ hai là các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, khách hàng có dư nợ lớn trên 5.000 tỷ đồng.

Thủ tướng đề nghị đánh giá lại hiệu quả của tín dụng chính sách và đổi mới cơ chế triển khai, hạn chế xin - cho, gia tăng sự tham gia của nhiều ngân hàng theo cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch. NHNN cần hướng tới việc xây dựng cơ chế minh bạch hóa lãi suất, tránh việc doanh nghiệp và người dân khi vay, khi gửi tiền không biết thực tế lãi suất áp dụng thế nào. Các ngân hàng thương mại nên có gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao.

Ngành ngân hàng phải phấn đấu quyết liệt tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tiếp tục hoàn thiện các thể chế, quy định pháp lý nhằm hỗ trợ hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Bảo đảm sự an toàn, ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và người gửi tiền trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng phải nêu gương, đi đầu trong việc thực hiện chủ đề năm 2017 mà Chính phủ đã đề ra “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”.

Đọc thêm