Ngành ngân hàng “xanh hóa”dòng vốn đầu tư

(PLO) - Đóng vai trò trọng yếu trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư, định hướng nguồn lực tài chính vào những lĩnh vực xanh,  song việc quan tâm và triển khai chương trình ngân hàng xanh giữa các ngân hàng là khác nhau…
Ngành ngân hàng “xanh hóa”dòng vốn đầu tư

Chiến lược ngân hàng xanh

Ngày 7/8/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam theo Quyết định số 1604/QĐ-NHNN (Đề án 1604) với mục tiêu tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Trước đó, tại Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015, NHNN cũng lưu ý hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên năng lượng; Cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khoẻ con người, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, ngành Ngân hàng đóng vai trò trọng yếu trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư; định hướng nguồn lực tài chính vào những lĩnh vực xanh; hạn chế dòng vốn vào những dự án gây ảnh hưởng tới môi trường; góp phần thúc đẩy các khách hàng vay vốn chuyển đổi dự án và mục đích sử dụng vốn vay sang các dự án thân thiện với môi trường. “Nói cách khác, các chính sách tín dụng xanh là một giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải độc hại, hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh…” - ông Hòe giải thích.

Mảng kinh doanh tiềm năng…

Khảo sát của NHNN cho thấy, hầu hết các ngân hàng Việt Nam (chiếm 88%) coi tín dụng xanh là mảng kinh doanh tiềm năng, tuy nhiên chỉ có 68% có kế hoạch mở rộng hoạt động tín dụng xanh trong ngắn và trung hạn, 50% ngân hàng đã áp dụng công cụ đánh giá rủi ro môi trường và xã hội (MT&XH) trong hoạt động cấp tín dụng… Môi trường, khoa học kỹ thuật, bảo hiểm là các mảng kinh doanh hứa hẹn và được ưu tiên nhât. Ngoài ra một số ngân hàng còn đề cập đến việc ưu tiên lĩnh vực dệt may, trồng rừng, xây dựng, thực phẩm, du lịch sinh thái… trong chương trình tín dụng của mình

Tuy nhiên, ngoài Sacombank, hầu hết các ngân hàng chưa có bộ phận chuyên trách về quản lý MT&XH; 20% số ngân hàng đã xây dựng và triển khai quy trình quản lý rủi MT&XH trong hoạt động cấp tín dụng, chủ yếu là ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chỉ có một số ít ngân hàng thương mại cổ phần trong nước, trong đó Sacombank, Techcombank,  Vietinbank đã xây dựng và ban hành quy trình rủi ro MT&XH bằng văn bản. 

Đáng chú ý, mặc dù có đến 50% ngân hàng đã áp dụng công cụ đánh giá rủi ro MT&XH trong hoạt động cấp tín dụng song các công cụ này là khác nhau theo từng ngân hàng. Số các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng cho các dự án xanh không nhiều, chiếm khoảng 24%, báo gồm một số hội sở chính và chi nhánh của các ngân hàng như: Sacombank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, SHB, ACB, VietAbank,…

Trong số các ngân hàng được xem là có quan tâm đến các dự án xanh (Vietcombank, Sacombank, BIDV, ACB, Agribank, Vietinbank) chỉ có Sacombank đã triển khai quy trình thẩm định tác động MT&XH thông qua chính sách MT&XH kết hợp hệ thống quản lý MT&XH (ESMS). Các ngân hàng khác chưa có văn bản riêng để quy định cụ thể quy trình.

Thách thức

Theo đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), khó khăn nhất trong việc triển khai chính sách tín dụng hướng tới tăng trưởng xanh là việc đầu tư vào lĩnh vực xanh đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao. Thực tế cũng cho thấy, hướng dân về danh mục các ngành/lĩnh vực xanh còn chung chung, chưa có các tiêu chí cụ thể để các ngân hàng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Mặt khác, phát triển các ngành kinh tế xanh đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ chính sách thuế, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch và chiến lược phát triển từng ngành, lĩnh thực, Bên cạnh đó, nhận thức và năng lực của các ngân hàng trong phát triển sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế…

Được biết, theo Đề án 1604, ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2025 có 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro MT&XH trong hoạt động cấp tín dụng; 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro MT&XH trong hoạt động cấp tín dụng áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay, kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng; Ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro MT&XH; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.

“Rõ ràng đây là một thách thức rất lớn. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển ngân hàng xanh thì công tác truyền thông nhận thức và trách nhiệm xã hội của toàn ngành Ngân hàng là rất quan trọng…”- Đại diện Vụ Chiến lược ngân hàng, NHNN khẳng định…

Đọc thêm