Nghịch lý tại Hà Nội: Người mua… thờ ơ với sổ đỏ nhà ở dự án khu đô thị

(PLO) - Nếu như những năm trước, hành trình làm sổ đỏ là trăn trở của người dân khi phải đối mặt với hàng “núi” thủ tục hành chính thì đến giờ, khi thành phố Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy tiến trình cấp sổ đỏ lại xuất hiện nghịch lý người dân một số dự án “thờ ơ” với tờ giấy chủ quyền này.
Nhiều khách hàng chưa mặn mà với việc làm sổ đỏ do ngại rắc rối khi chuyển nhượng. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa nguồn internet
Nhiều khách hàng chưa mặn mà với việc làm sổ đỏ do ngại rắc rối khi chuyển nhượng. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa nguồn internet
Thành phố “thúc” tiến độ cấp sổ đỏ
Từ tháng 8/2014, thành phố Hà Nội đã “cải cách” thủ tục cấp sổ đỏ cho nhà ở thuộc các dự án phát triển nhà ở nhằm giảm một nửa quy trình so với trước đây. Cụ thể, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội tổ chức tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ và làm thủ tục trình Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ) cho người mua nhà và chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố.
Trước đây, chủ đầu tư dự án hay người mua nhà muốn được cấp giấy chứng nhận phải nộp hồ sơ ở Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, sau khi đơn vị này thẩm định xong hồ sơ sẽ chủ động chuyển xuống các quận, huyện có dự án để các quận, huyện tiếp tục thẩm định, ký giấy chứng nhận, rồi chuyển sang Chi cục Thuế tính phí trước bạ, phí sử dụng đất, sau đó mới chuyển ngược giấy chứng nhận và thông báo nộp thuế cho Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội để người dân đi nộp thuế và nhận giấy chứng nhận.
Như vậy, theo quy định mới này, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở đã quy về một đầu mối. Điều này sẽ giảm được tối đa thời gian thẩm định hồ sơ, tránh phiền hà cho người dân khi có nhu cầu đăng ký cấp giấy chứng nhận. 
Hiện nay, tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội chỉ mới có 36.110 căn được cấp sổ đỏ cho người mua nhà, còn hơn 76.000 căn chủ đầu tư chưa làm các thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà theo quy định. Một trong những nguyên nhân quan trọng “góp phần” vào sự chậm trễ này là do nhiều chủ đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai đã xây dựng công trình nhà ở và bàn giao nhà cho người mua, thậm chí nhiều chủ đầu tư còn gây khó khăn cho người mua nhà, ảnh hưởng đến công tác cấp sổ đỏ... 
Điều này đã khiến quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà luôn ở thế chông chênh. Khi chủ nhà cần bán, tính thanh khoản sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí, ảnh hưởng cả đến phần định giá. Trong trường hợp chủ nhà muốn thế chấp để vay vốn ngân hàng làm ăn cũng rất khó khăn trong việc chứng minh được tài sản cần được định giá thuộc quyền sở hữu của mình.
Khách hàng “thờ ơ”
Trong khi thành phố tìm cách để thúc đẩy tiến trình cấp sổ đỏ thì tại các đô thị ở Hà Nội đang tồn tại một nghịch lý, có những chủ dự án đã nỗ lực hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước để đủ điều kiện làm sổ đỏ cho khách hàng nhưng khách hàng lại không muốn nhận sổ.
Dự án khu đô thị (KĐT) An Hưng (Hà Đông, Hà Nội) là một trong dự án thí điểm việc tính lại tiền sử dụng đất sau khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội. Ngoài số tiền sử dụng đất đã đóng, đầu năm 2013, KĐT An Hưng phải nộp thêm cho ngân sách 116 tỷ đồng bổ sung tiền sử dụng đất. Khi hoàn thành xong nghĩa vụ này, chủ đầu tư mới đủ điều kiện để làm sổ đỏ cho người mua nhà. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, nguồn tài chính eo hẹp, đây là nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư. 
Thế nhưng,  sau hơn một năm mời gọi khách hàng đến nhận nhà và làm sổ đỏ, phần lớn khách hàng lại tỏ ra thờ ơ, nhiều người không muốn nhận nhà, cũng không muốn làm sổ. Đến nay, chủ đầu tư dự án KĐT An Hưng mới chỉ bàn giao 150 quyển sổ đỏ cho các khách hàng mua nhà, và vẫn còn khoảng 400 căn nhà chưa nhận bàn giao nên chưa thể làm được sổ đỏ. 
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Nguyên Quân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng An Hưng - cho biết, một trong những nguyên nhân chính của vấn đề này là do thị trường bất động sản sụt giảm mạnh khiến một số nhà đầu tư đã mua tại thời điểm giá cao, đến nay không còn đủ tiền để nộp nốt cho chủ đầu tư để nhận nhà. Ngoài ra, một số khách hàng là nhà đầu tư họ không muốn làm sổ ngay bởi sau này nếu có chuyển nhượng lại phải làm giấy tờ thủ tục sẽ rất rắc rối.

Đọc thêm