Nhà trên 50 tầng, cầu lớn - doanh nghiệp Việt chưa lại với nước ngoài?

(PLO) - Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho hay, qua theo dõi các hoạt động xây dựng, nhận định chung lực lượng nguồn nhân lực  ngành này của ta chưa đáp ứng được như cầu thị trường; nhiều công trình phụ thuộc vào nguồn nhân lực nước ngoài - từ thiết kế, giám sát đến vận hành...
Tháp Lotte Center - tòa nhà cao thứ nhì Việt Nam
Tháp Lotte Center - tòa nhà cao thứ nhì Việt Nam

Thời gian qua, Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân nhưng nhân lực ngành Xây dựng vẫn trong tình trạng vừa thiếu lại vừa yếu. 

Ít cơ sở đào tạo đạt chuẩn châu Âu, Hoa Kỳ 

Ông Đỗ Quý Duy - Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá, xây dựng là ngành kinh tế - kỹ thuật có vai trò quan trọng, tạo ra tài sản cố định và hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng phục vụ phát triển nền kinh tế. Cũng theo ông thứ trưởng, số liệu những năm qua cho thấy, tổng đầu tư cho ngành Xây dựng chiếm trên 30% GDP. Ngoài ra, tỷ lệ tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng thường duy trì ở mức cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

“Đạt được những kết quả trên là có vai trò đóng góp quan trọng của đội ngũ nhân lực ngành Xây dựng”, ông Đỗ Quý Duy khẳng định.

Dẫn số liệu thống kê, thứ trưởng Duy cho biết, năm 2015, cả nước có khoảng trên 3,4 triệu lao động trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các hoạt động ngành Xây dựng. Riêng trong doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh bất động sản, đến đầu năm 2015 đã có khoảng 1,83 triệu lao động đang làm việc, chiếm 15,1% tổng lao động trong các doanh nghiệp thuộc mọi ngành kinh tế.

Những năm qua, nguồn nhân lực ngành Xây dựng có bước phát triển về số lượng nhưng chất lượng còn thấp. Dẫn chứng cụ thể, năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt khoảng 14,9%, tăng 2,3% so với năm 2010 (12,6%). Trong khi đó, hiện nay cả nước có khoảng 80 trường đại học, cao đẳng và trên 300 cở sở đào tạo nghề có đăng ký đào tạo chuyên ngành Xây dựng. Tuy nhiên, cơ sở triển khai đào tạo theo các chương trình tiên tiến, đào tạo nghề xây dựng đạt chuẩn châu Âu và Hoa Kỳ thì lại rất ít.

Dù vậy, theo ông Duy, hiện nay một số doanh nghiệp trong nước đã có thể sản xuất các vật liệu xây dựng cao cấp theo tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu đến nhiều nước; có thể tự thiết kế, thi công xây dựng, quản lý, vận hành nhiều công trình quy mô lớn, phức tạp ngang tầm khu vực và quốc tế. Điển hình như thực hiện các công trình Thủy điện Sơn La, Lai Châu cùng nhiều dự án nhiệt điện, cầu, đường cao tốc, nhà cao tầng…. 

“Khả năng hội nhập của nhân lực ngành Xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực khi ngày càng có nhiều cán bộ kỹ thuật người Việt Nam tham gia các doanh nghiệp xây dựng vốn FDI”, thứ trưởng Đỗ Quý Duy cho biết.

Mục tiêu khiêm tốn 5 năm tới (2016 – 2020) của ngành Xây dựng là phát triển ngành này đạt trình độ tiên tiến ngang tầm với các nước khu vực; tiếp cận và làm chủ công nghệ tiên tiến. “Giai đoạn 2016 – 2020 đặt mục tiêu giá trị sản xuất ngành Xây dựng tăng trưởng bình quân từ 9% - 14%/năm. Đến 2020, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 38-40%”, vẫn lời thứ trưởng Duy.

Đại diện ngành Xây dựng thừa nhận cơ cấu trình độ ngành này còn mất cân đối; tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” chưa được khắc phục. Số người đăng ký học cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề không ổn định, ngày càng có xu hướng giảm. Đa số các cơ sở đào tạo nghề thuộc Bộ Xây dựng trong giai đoạn 2012 - 2015 không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, chỉ đạt khoảng 70%, một số cơ sở tuyển sinh chưa đạt 50% kế hoạch.

Ngoài ra, ngành Xây dựng còn hạn chế về số lượng, chất lượng đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật cao cấp. “Một bộ phận công nhân lao động trong các doanh nghiệp còn hạn chế cả về kiến thức, kỹ năng, tác phong công nghiệp. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật chưa thật sự đáp ứng với nhu cầu hội nhập”, thứ trưởng Duy thẳng thắng.

“Bó tay” nhà trên 50 tầng, cầu khẩu độ lớn?

Đồng quan điểm với Bộ Xây dựng, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho hay, qua theo dõi các hoạt động xây dựng, nhận định chung lực lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được như cầu thị trường; nhiều công trình phụ thuộc vào nguồn nhân lực nước ngoài, từ thiết kế, giám sát, vận hành.

“Công trình giao thông ngầm, công trình hóa chất phức tạp, công trình nhà cao trên 50 tầng, cầu vượt có khẩu độ lớn… doanh nghiệp trong nước đã không cạnh tranh nổi với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Hùng cho biết.

Cũng theo ông Hùng, tỷ lệ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng quản lý doanh nghiệp còn rất thấp, chỉ đạt 3,9% trình độ ngoại ngữ, 17% tin học. Nhiều lĩnh vực còn thiếu người quản lý giỏi như công trình ngầm, quản lý đô thị, quản lý dự án, bất động sản…

“Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến năng suất lao động, tiến độ, giá thành của dự án xây dựng. Trong giai đoạn sắp tới, Việt Nam nằm trong cộng đồng kinh tế ASEAN, tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thị trường quốc tế rộng mở thì đòi hỏi chất lượng bộ máy quản lý, trình độ đội ngũ lao động ngành Xây dựng phải chuyên nghiệp mới có thể đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp bên ngoài”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Mặc Văn Tiến, đến từ Viện nghiên cứu Khoa học Dạy nghề, để góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nhân lực ngành Xây dựng Việt Nam trên thị trường lao động trong nước và quốc tế, cần phải đổi mới mạnh mẽ hệ thống giáo dục, trong đó có giáo dục nghề. Theo đó, cần chuyển đổi hệ thống giáo dục nghề nghiệp khép kín thành hệ thống đào tạo mở, linh hoạt, liên thông với hệ thống giáo dục quốc dân.

Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, để nâng cao trình độ nhân lực ngành Xây dựng, cạnh tranh được với nhân lực quốc tế trong thời kỳ hội nhập thì Việt Nam không còn cách nào khác là phải đổi mới đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân lực.

Đọc thêm