Nợ xấu - xấu mặt ngân hàng

(PLO) - Nợ xấu ảnh hưởng trầm trọng đến sự bình ổn tiền tệ, nguồn vốn phát triển đất nước và gây ảnh hưởng rất xấu đến bộ mặt cũng như hoạt động tín dụng. Lần đầu tiên, Quốc hội phải bàn để ra một Nghị quyết giải quyết nợ xấu. Điều này, có thể thấy mức độ nghiêm trọng của nợ xấu như thế nào.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Do sự nghiêm trọng đó mà đồng bào quốc dân cả nước lần đầu tiên nhìn thấy con số thực khổng lồ nợ xấu: Không phải 200.000 tỷ như “ước đoán” mà là 600.000 tỷ đồng, không phải chiếm 3% số dư nợ mà là trên 10%. Một sự ví von rất thuyết phục và cũng gây bàng hoàng là số nợ xấu này có thể xây được 3 cái sân bay Long Thành! Trong khi đó, Quốc hội đang loay hoay tính toán để có 200.000 tỷ biến dự án này thành hiện thực.

Khi vấn đề đã được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội cũng mới thấy là tiến độ giải quyết nợ xấu diễn ra rất chậm, không như mong muốn và những khó khăn, cản trở việc thực hiện thu hồi nợ cũng được phơi bày như đối tượng chây ỳ, tài sản thế chấp chia năm, xẻ bảy. Một thực trạng khác cũng được nhìn nhận công khai là nguyên nhân gây ra nợ xấu có một phần từ sự thoái hóa, biến chất của cán bộ ngân hàng.

Trong vòng 5 năm, không tính các địa phương, riêng Bộ Công an đã khởi tố gần 200 cán bộ ngân hàng, trong đó có nhiều người giữ cương vị lãnh đạo ngân hàng. Chỉ tính riêng Agribanhk thôi cũng đã xử lý hành chính kỷ luật hơn 300 cán bộ và xử lý hình sự hơn 100 người. Kẻ giữ “tay hòm, chìa khóa” mà “thông lưng” với với bên ngoài bòn rút tiền bạc thì làm sao chủ nhà còn có thể ngóc đầu lên được. Phải có cách nào loại trừ họ ra khỏi cái vị trí quan trọng này chứ!

Trước khi nợ xấu đưa ra bàn thảo ở nghị trường thì đã có rất nhiều ý kiến “tham mưu” để làm tan “cục máu đông” gây nghẽn mạch nền kinh tế này. Đáng chú ý là cần tuyệt đối tuân thủ 2 điều sau: 1. Không được lấy tiền ngân sách để giải quyết nợ xấu và không miễn trừ, giảm thuế trong việc này; 2. Phải xử lý nghiêm khắc những người gây ra nợ xấu, đặc biệt là những người đứng đầu. Các đại biểu Quốc hội khi thảo luận cũng đề xuất cần xóa nợ xấu cho các trường hợp bất khả kháng như thiên tai gây ra chẳng hạn. Đó cũng là một cách “rã đông”.

Bên cạnh đó, cử tri cả nước cũng biết một sự thật kinh hãi, đó là 60.000 tỷ nợ xấu đó chỉ có 10% là của Nhà nước, còn lại là tiền dân gửi. Vậy, trách nhiệm trước tiền bạc và niềm tin của dân gửi gắm vào ngân hàng sẽ ra sao? Còn để nợ xấu và các cán bộ ngân hàng xấu thì có còn huy động vốn trong dân được không, trong khi đang ra sức vận động tiền, vàng và “vốn nhàn rỗi” trong dân phục vụ cho công cuộc kiến quốc!

Dù sao thì một thực trạng đáng xấu hổ về nợ xấu đã được phơi bày và đang được mổ xẻ. Tin rằng, khi đã dám nêu thực trạng, dám phơi bày sự thật thì cách giải quyết sẽ đúng hướng, tạo được sự đồng thuận xã hội và có được kết quả như mong muốn, dòng máu tiền tệ sẽ lưu thông trong một cơ thể kinh tế khỏe mạnh.

Đọc thêm