Nói ‘không’ với tiền mặt: Xu thế tất yếu

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nền kinh tế ưa chuộng tiền mặt là nền kinh tế lạc hậu khi tốn kém quá nhiều chi phí cho in tiền, chuyên chở và tạo điều kiện cho tham nhũng, phi pháp, đầu cơ… Vì vậy, không còn lựa chọn nào khác hơn là đưa Việt Nam thành nền kinh tế phi tiền mặt trong vòng 10 năm tới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về định hướng đưa Việt Nam trở thành quốc gia hạn chế sử dụng tiền mặt - vấn đề được đông đảo các nhà lãnh đạo, chuyên gia kinh tế quan tâm, thảo luận trong nhiều diễn đàn, đặc biệt là trong sự kiện APEC vừa qua?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Thanh toán không dùng tiền mặt chắc chắn là một xu thế tất yếu, chúng ta không có lựa chọn nào khác hơn là đưa nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế phi tiền mặt.

Bởi lẽ, nền kinh tế ưa chuộng tiền mặt là một nền kinh tế lạc hậu. Kinh tế-xã hội phát triển không ngừng, khi các quốc gia trên thế giới hầu như đã “quên” cách dùng tiền mặt, tiền điện tử thậm chí là tiền kỹ thuật số đã trở thành phương tiện thanh toán chính mà chúng ta vẫn chi trả bằng tiền mặt thì sẽ sớm trở nên lạc lõng.

Bên cạnh đó, tiến đến một nền kinh tế phi tiền mặt giúp giảm chi phí in tiền, chuyên chở, bảo vệ. Đặc biệt một vấn đề nữa của tiền mặt là không để lại “dấu tích”, thành ra nó là công cụ của tất cả những hành động tham nhũng, phi pháp, đầu cơ…

Một xã hội không dùng tiền mặt bắt buộc tất cả các đối tượng phải giao dịch qua hệ thống ngân hàng, vì vậy, chúng ta sẽ kiểm soát được nguồn gốc, đường đi của tiền, góp phần làm minh bạch hóa nền kinh tế.

Hơn nữa, Việt Nam đang ở cách thời điểm bước vào nền kinh tế thị trường hơn 30 năm, với lượng cung tiền gấp hàng nghìn lần, nếu cứ mãi sử dụng cách in tiền và cung tiền giấy ra lưu thông thì đến một lúc nào đó, sẽ không thể kiểm soát được. Chính vì vậy, thói quen dùng tiền mặt phải được xoá bỏ trong vòng 10 năm tới.

Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Với mục tiêu này, chúng ta có những thách thức, khó khăn gì? Ông có đề xuất gì để vượt qua những thách thức đó?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Hiện tại nếu tính trên tổng phương tiện thanh toán, khối lượng giao dịch tiền mặt xuống đâu đó còn 12%, nhưng đó là tính chung cho tất cả hệ thống tiền tệ, bao gồm giao dịch của tất cả các DN chuyển tiền, ngân hàng thanh toán.

Nếu ngoại trừ điều này, chỉ tính riêng giao dịch thanh toán của người dân thì lượng tiền mặt vẫn ước khoảng 80% lượng tiền trong lưu thông.

Vì vậy, tính chung toàn hệ thống để kéo từ 12% xuống 10% thì có thể khả thi, những vấn đề nằm ở đại bộ phận dân cư Việt Nam vẫn sử dụng tiền mặt là phương tiện thanh toán chính. Điều này trước nhất là do thói quen sử dụng, thứ hai là nền kinh tế của chúng ta vẫn mang vóc dáng của nền kinh tế nông nghiệp, nên người dân vẫn quen chi trả nhau bằng tiền mặt.

Ngay cả những người lao động làm trong các khu công nghiệp, họ có thể nhận lương qua tài khoản nhưng lại ngay lập tức rút tiền ra để tiêu dùng vì thu nhập của họ còn thấp, để dành làm gì? chưa kể mỗi lần rút tiền lại phải trả phí.

Bên cạnh đó, cấu trúc tài chính cũng có vấn đề, chỉ có một số cơ quan, cơ sở kinh doanh, nhà hàng và người dân ở đô thị sử dụng tài khoản và những máy móc hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt. Trong dân gian chỉ từ 20-30% người dân có tài khoản ngân hàng. Nếu không có tài khoản ngân hàng thì làm sao để thanh toán không dùng tiền mặt? Vì vậy, trước tiên, phải làm sao thúc đẩy người dân sử dụng tài khoản ngân hàng thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Tôi học bài học của nước Mỹ, khi Cơ quan bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) tổ chức một khoá huấn luyện mang tên “Money smart” (Đồng tiền thông minh). Đây là chương trình giáo dục rất căn bản về kiến thức tài chính cho tất cả người dân của Mỹ, những vấn đề thiết thực như: Tại sao phải mở tài khoản ngân hàng, tại sao không nên dùng tiền mặt, cách bảo mật tài khoản ngân hàng… được đưa đến với nội dung và cách tiếp cận phù hợp với mọi lứa tuổi, đối tượng người dân, từ trẻ em 10 tuổi đến các cụ già.

Không xa xôi, Chương trình này mới được thực hiện cách đây 15 năm, bởi một nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thì tại sao Việt Nam không thể tổ chức những chương trình giáo dục cộng đồng như vậy để phổ biến cho đại bộ phận người dân, nâng cao hiểu biết và nhận thức về lợi ích của việc dùng tài khoản ngân hàng nói riêng và kiến thức tài chính nói chung. Tôi đề xuất NHNN nên chủ trì một chương trình giáo dục rất cơ bản, phổ biến cho tất cả người dân, đặc biệt quan tâm đến vấn đề chi tiêu không tiền mặt.

Về các công cụ điều hành, chúng ta còn thiếu gì thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, chúng ta còn rất thiếu những công cụ để kiểm soát tiền điện tử. Tôi nói tiền điện tử ở đây không chỉ là tiền chuyển qua tài khoản mà còn có tiền kỹ thuật số-tôi không muốn gọi đó là tiền ảo vì thực tế nó có giá trị chứ không hề “ảo”.

Hiện tại, Việt Nam vẫn không cho phép tiền điện tử như Bitcoin trở thành phương tiện thanh toán, tuy nhiên, trên thực tế, nếu cấm đoán thì các giao dịch này thay vì công khai sẽ đi vào hệ thông ngầm, khi đó lại càng khó khăn hơn trong việc quản lý, vì tiền kỹ thuật số không có hình thái như đồng tiền thông thường mà chỉ tồn tại trên hệ thống máy tính.

Theo tôi, đồng Bitcoin có thể được chấp nhận như một loại hàng hóa, nhưng lại mang tính chất tiền tệ. Tức là, không cho phép Bitcoin được thanh toán để mua hàng hóa, nhưng có thể chấp nhận việc những người chơi Bitcoin với nhau giao dịch, trao đổi và chỉ có giá trị trong phạm vi đó thôi.

Để quản lý được loại tiền này, Việt Nam phải xây dựng những quy định để cho phép những sàn giao dịch tiền điện tử ra đời, cho phép những công ty giao dịch trên sàn với yêu cầu công ty đó phải đăng ký, phải có vốn tự có, chứng minh được khả năng tài chính và từ đó, nắm bắt, quản lý được tất cả những giao dịch qua những công ty này.

Có như vậy, chúng ta mới có thể đón đầu được tốc độ bành trướng của tiền kỹ thuật số. Đây là vấn đề rất khó khăn, nan giải cho nước đi sau như Việt Nam. Cần phải có bước thật nhanh, lộ trình cụ thể.

Bên cạnh đó, Đề án tái cơ cấu ngân hàng gắn liền với xử lý nợ xấu 2016-2020 mà Chính phủ ban hành phải được thực hiện hết sức nghiêm túc, các cơ quan thanh tra của NHNN phải đặc biệt quan tâm đến việc thanh tra các ngân hàng để xem các ngân hàng đang chuẩn bị những bước gì cho tái cơ cấu. Đây là một Đề án có phạm vi bao quát, liên quan đến vấn đề nợ xấu, chỉ tiêu tài chính, quản lý rủi ro… là cơ sở để NHNN điều chỉnh, cơ cấu lại, hoàn thiện hệ thống ngân hàng, một yếu tố quan trọng để đạt mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm