Petrolimex đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng: Tiến thoái lưỡng nan?

(PLO) - Ông Bùi Ngọc Bảo là lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đã chấp thuận để Tập đoàn này đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng sai quy định khi tăng vốn vào PGBank 400 tỷ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ của đơn vị nhận vốn góp). 
Ông Bùi Ngọc Bảo vừa là Chủ tịch PGBank vừa là Chủ tịch Petrolimex, là người lo lắng hơn ai hết nếu để mất vốn ở PGBank
Ông Bùi Ngọc Bảo vừa là Chủ tịch PGBank vừa là Chủ tịch Petrolimex, là người lo lắng hơn ai hết nếu để mất vốn ở PGBank

Hiện ngân hàng này đang hoạt động cầm chừng, ở tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu để mất vốn nhà nước ở PGBank, ông Bùi Ngọc Bảo sẽ phải chịu trách nhiệm chính. Khi đó không còn là vấn đề dân sự.

Hiện ông Bùi Ngọc Bảo là Chủ tịch HĐQT Petrolimex đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank).

Chưa khắc phục vi phạm

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 1/9/2016, Tập đoàn Petrolimex đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định: tăng vốn đầu tư vào PGBank 400.000 triệu đồng (chiếm 40% vốn điều lệ của đơn vị nhận vốn góp). Việc tăng vốn đầu tư này đã vi phạm Luật Tín dụng vì pháp luật chỉ cho phép đầu tư ngoài ngành vào ngân hàng chiếm tối đa 20% vốn điều lệ của ngân hàng đó.

Năm 2016, PGBank đạt lợi nhuận trước thuế 153 tỷ đồng, chỉ bằng 55% so với kế hoạch đề ra. Tổng tài sản đến cuối năm 2016 ở mức 24.824 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng hơn 17.500 tỷ; huy động vốn hơn 21.000 tỷ đồng. Tổng thu nhập từ hoạt động đạt hơn 982 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này cũng thấp hơn so với kế hoạch đề ra.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Petrolimex phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành khỏi PGBank theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay việc thoái vốn của Petrolimex tại PGBank chưa thực hiện được.

Ông Bùi Ngọc Bảo được cho là có bước đi “khôn khéo” khi muốn PGBank sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Công Thương (ViettinBank). Nếu vụ sáp nhập này thành công, Petrolimex sẽ không phải thoái vốn khỏi PGBank, vì khi đó PGBank đã là của ViettinBank, một ngân hàng có vốn điều lệ lớn, phần vốn góp của Petrolimex không vượt ngưỡng 20% theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, thương vụ sáp nhập giữa PGBank và ViettinBank chưa được thực hiện thành công và liệu có thành công hay không thì không ai dám chắc, nhưng một thực tế là Petrolimex vẫn đang vi phạm pháp luật khi chưa thoái vốn khỏi PGBank dù Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị từ lâu. Nói cách khác, Petrolimex chưa khắc phục vi phạm sau thanh tra theo chỉ đạo của Chính phủ.

Rõ ràng việc chưa thoái vốn khỏi PGBank có trách nhiệm chính của ông Bùi Ngọc Bảo, khi ông đồng thời đang là Chủ tịch HĐQT của cả Petrolimex và PGBank. Nếu việc sáp nhập với ViettinBank diễn ra thành công thì không ai khác chính ông Bùi Ngọc Bảo sẽ là người “thở phào” nhẹ nhõm. Thế nhưng tại sao thương vụ sáp nhập với ViettinBank được ông Bùi Ngọc Bảo ráo riết thực hiện mãi hơn ba năm nay chưa thành công?

Liệu có mất vốn khi sáp nhập?

Kế hoạch sáp nhập với ViettinBank của PGBank đã “lỡ hẹn” nhiều lần. Mới đây nhất, vào giữa tháng 4/2017, đại diện VieitnBank xác nhận chưa thể sáp nhập với PGBank. Theo đó, trong năm 2016, VietinBank đã hoàn tất các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc sáp nhận với PGBank gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng đơn vị này sau khi xem xét đã tiếp tục yêu cầu VietinBank thực hiện việc rà soát, cập nhật lại kết quả định giá cổ phiếu PGBank, tính toán và đàm phán lại về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa ViettinBank và PGBank.

Theo phương án đã thỏa thuận giữa hai bên, nếu PGBank sáp nhập vào ViettinBank thì tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa hai ngân hàng là 1:0,9; tức một cổ phiếu PGBank đổi được 0,9 cổ phiếu VietinBank. Nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ này là có lợi cho PGBank nên NHNN yêu cầu hai bên đàm phán, tính toán lại.

Phản ứng của NHNN là có cơ sở, nhận được đồng thuận cao của dư luận xã hội, bởi PGBank là ngân hàng nhỏ, làm ăn kém hiệu quả trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt vấn đề nợ xấu ở ngân hàng này là một vấn đề nan giải, trong khi đó ViettinBank là ngân hàng lớn, có uy tín, khả năng thanh khoản cao.

Vậy tại sao lãnh đạo PGBank không giảm tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu ở mức thấp hơn tỷ lệ 1:0,9? Nhiều ý kiến cho rằng Petrolimex đã đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng với tỷ lệ góp vốn trái với quy định, nếu việc sáp nhập với ngân hàng khác thành công nhưng để xảy ra việc mất vốn nhà nước thì khi đó trách nhiệm người đứng đầu Petrolimex là không nhẹ. Phải chăng ông Bùi Ngọc Bảo đang sợ mất vốn nhà nước khi đầu tư vào PGBank nên phương án thoái vốn, sáp nhập của ngân hàng này diễn ra chậm trễ?

Đã có nhiều trường hợp các tập đoàn kinh tế đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, sau đó thua lỗ, mất vốn nhà nước. Điển hình như việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đầu tư vào Ngân hàng Đại dương (OceanBank) 800 tỷ đồng nhưng làm ăn thua lỗ, cuối cùng NHNN phải mua lại ngân hàng này với giá 0 đồng. Do đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, để mất vốn nhà nước với giá trị lớn nên lãnh đạo cấp cao của PVN đã bị khởi tố hình sự.

Lấy trường hợp của OceanBank làm ví dụ thì rõ ràng Petrolimex phải hết sức thận trọng trong việc thoái vốn khỏi PGBank dù bằng hình thức sáp nhập với ViettinBank. Được biết, hiện nay tổng vốn Petrolimex đầu vào PGBank là khoảng 1.200 tỷ đồng. Nếu sau thoái vốn hoặc sau sáp nhập, số vốn nhà nước đầu tư vào PGBank bị thất thoát, mất vốn thì rõ ràng trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Petrolimex, trong đó có ông Bùi Ngọc Bảo.

Tình trạng nợ xấu của PGBank đang ở mức độ nào? Liệu PGBank có mất vốn nhà nước sau khi tái cơ cấu? Vấn đề lương bổng của ông Bùi Ngọc Bảo, vừa là Chủ tịch PGBank vừa là chủ tịch Petrolimex... sẽ được PLVN tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Đọc thêm