Quản lý sao khi nhà thơ, bác sĩ... cũng làm chủ DA xây dựng?

(PLO) - “Cần phải kiểm soát từ các khâu ban đầu của quá trình triển khai dự án xây dựng vì công trình xây dựng thất thoát không chỉ trong quá trình xây dựng, mà thất thoát ngay từ khi đưa ra chủ trương” là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội phiên thảo luận về Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) sáng qua. 
Ngành Xây dựng có chủ trương quản lý các công trình xây dựng như thế nào để hạn chế thấp nhất những hạn chế về chất lượng?
-Theo tôi, phải quản lý công trình trong suốt quá trình, từ khâu xem xét các vị trí đặt công trình đến vấn đề cốt lõi của một dự án là thiết kế cơ sở. Trước đây, do không quản chặt vấn đề này nên thất thoát rất lớn. Vấn đề nữa là quản lý trong quá trình thiết kế kỹ thuật, thi công, nghiệm thu, bàn giao. Trong quá trình đó, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng phải có mặt và có trách nhiệm để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư của Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
Hiện nay, trong lĩnh vực xây dựng có quá nhiều chủ đầu tư, thậm chí có cả nhà thơ, bác sỹ và nhiều trường hợp khác cũng trở thành chủ dự án. Vậy, vai trò tiền kiểm của Nhà nước trong vấn đề này như thế nào để quản lý được tốt hơn?
-Theo pháp luật hiện hành, ai sử dụng công trình thì người đó là chủ đầu tư và người chủ đầu tư có quyền thành lập Ban Quản lý công trình để quản lý các công trình cho mình nên cả nước có hàng nghìn Ban Quản lý. Nhưng qui định này chỉ phù hợp với các nguồn vốn ngoài Nhà nước, còn với nguồn vốn nhà nước thì không phù hợp nên phải khắc phục ngay vì đó là một trong các nguyên nhân gây thất thoát trong các dự án xây dựng. Đồng thời, khi xây dựng xong công trình, Ban Quản lý cũng giải thể là nguyên nhân chính dẫn đến trách nhiệm của các Ban Quản lý kiểu như thế không cao. 
Nhằm khắc phục thực trạng trên, trong Luật Xây dựng sửa đổi yêu cầu thành lập các Ban Quản lý chuyên nghiệp, trong đó có Ban Quản lý khu vực, Ban Quản lý chuyên ngành. Nếu làm như vậy, chắc chắn có ít Ban Quản lý, nhưng các Ban này sẽ tồn tại lâu dài, góp phần tăng chất lượng, năng lực của Ban Quản lý và trách nhiệm cao hơn. Các Ban Quản lý này phải có trách nhiệm đến cùng với chất lượng công trình không chỉ trong quá trình xây dựng mà cả khi công trình xây dựng xong, đưa vào khai thác sử dụng. 
Bộ trưởng đánh giá như thế nào về nhiều ý kiến cho rằng quy định phải có thiết kế công trình trước khi cấp phép xây dựng sẽ gây khó cho người dân?
- Việc cấp phép xây dựng công trình là yêu cầu bắt buộc, bởi công trình xây dựng không như các sản phẩm khác. Nó không chỉ đầu tư nhiều tiền, không hình thành ngay được mà còn mất nhiều thời gian thi công. Vốn lớn, thời gian kéo dài, nhưng nếu có sự cố thì công trình sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và thiệt hại đến tính mạng người dân. Ngoài ra, vấn đề này còn liên quan đến đất đai.
Nếu xây dựng không đúng phần đất của mình, cố tình vi phạm thì còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác. Do vậy, việc cấp phép là bắt buộc, nhưng không phải công trình nào cũng cấp phép, như những công trình nhà dân ở nông thôn thì chắc chắn không phải cấp phép. Tuy nhiên, những công trình nhà dân ở đô thị thì phải theo quy hoạch, phải có kiểu dáng kiến trúc để đảm bảo mỹ quan đô thị và không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Do đó, các điều kiện cấp phép là phải bắt buộc, tuy nhiên không được làm gây phiền hà cho dân, phải đảm bảo cho người có đủ điều kiện là được cấp phép. Trong Luật Sửa đổi lần này phải giải quyết vấn đề như vậy!
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đọc thêm