Quảng Bình 'điểm sáng' đón làn sóng đầu tư mới

(PLVN) - Giai đoạn 2018 – 2019, Quảng Bình được xem như điểm dừng chân của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Đây là những tín hiệu tích cực để Quảng Bình khởi sắc.
Làn sóng đầu tư mới vào Quảng Bình
Làn sóng đầu tư mới vào Quảng Bình

Đất lành cho nhà đầu tư

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, một điểm sáng của Quảng Bình trong thời gian qua nằm ở lĩnh vực đầu tư. Cùng với chính sách mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, Quảng Bình còn tổ chức nhiều Hội nghị gặp gỡ, trao đổi, đối thoại giữa lãnh đạo Tỉnh và các doanh nghiệp; các nhà đầu tư; thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư tại Quảng Bình. 

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình được tổ chức vào tháng 8/2018, UBND tỉnh đã trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư cho 66 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt mức kỷ lục 168.869 tỷ đồng, tương đương 7,34 tỷ USD.

Tiếp đó, đầu năm 2019, Quảng Bình đã phê duyệt chủ trương đầu tư 19 dự án của nhà đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư hơn 2.595 tỷ đồng. Các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được đầu tư và triển khai hoạt động theo tiến độ (hiện Quảng Bình có 24 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 782,2 triệu USD).

Đến nay, Quảng Bình đang được xem như “mảnh đất vàng”, “viên kim cương xanh” trong mắt các nhà đầu tư và doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: “Với phương châm “Hợp tác cùng phát triển”, tỉnh Quảng Bình cam kết làm hết sức mình, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, xem sự thành công của doanh nghiệp cũng là sự thành công của tỉnh, doanh nghiệp có phát triển thì Quảng Bình phát triển”.

Hiện nay, trên địa bàn Quảng Bình hiện đã có nhiều dự án được triển khai và đi vào hoạt động hiệu quả như Dự án may xuất khẩu của Công ty S&D; Dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn và Shophouse Vincom… Nhiều dự án khác cũng đang trong quá trình triển khai và sẽ hoàn thành trong thời gian tới như: Quần thể sân Golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC; Sân golf Bảo Ninh; Khách sạn 5 sao Pullman; Khách sạn Duy Tân Quảng Bình; Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Dohwa…

Các dự án này sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều hiệu quả, đóng góp tích cực cho thu ngân sách của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm và tạo thêm những động lực quan trọng giúp tỉnh Quảng Bình phát triển trong thời gian tới.

Là tỉnh ven biển miền Trung, Quảng Bình có vị trí kinh tế, địa lý cực kỳ quan trọng
Là tỉnh ven biển miền Trung, Quảng Bình có vị trí kinh tế, địa lý cực kỳ quan trọng

Kinh tế tăng trưởng cao

Là một tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam, Quảng Bình có vị trí địa lý kinh tế và chính trị cực kỳ quan trọng khi nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây, là điểm gần nhất từ Việt Nam tới Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan và Myanmar. 

Bên cạnh đó, Quảng Bình còn có lợi thế về tự nhiên với hang Sơn Đòong được coi là hang động tự nhiên lớn nhất hành tinh, Động Phong Nha – Kẻ Bàng đã 2 lần được UNESCO công nhận di sản nhiên nhiên thế giới. Cùng với đó, Quảng Bình còn sở hữu những bãi tắm đẹp nổi tiếng chạy suốt dải bờ biển dài 116km.

Có thể thấy, hiếm nơi nào ở Việt Nam lại có vẻ đẹp bất tận, vẻ đẹp của những 'kỳ quan cạnh kỳ quan' như ở Quảng Bình. 

Với những lợi thế khác biệt, Quảng Bình đã vươn lên trở thành một địa phương có nhiều dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế- xã hội. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình 6 tháng đầu năm 2019, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn có sự tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 6,32%; Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,12%; Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,7%; Giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 6,71% so với cùng kỳ; Thu ngân sách đạt 2.115 tỷ đồng, đạt 47% dự toán cả năm; Giải quyết việc làm cho 18.300 lao động, đạt 50,08% kế hoạch năm...

Về cơ sở hạ tầng, Quảng Bình có một hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn thiện: Đường bộ, đường sắt, có sân bay quốc tế Đồng Hới, cảng biển Hòn La. 

Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tăng nhanh (tăng hơn 50 lần so với năm 1990). Trong đó, số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh. Tính đến cuối 2019, tài sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 80 ngàn tỷ đồng, trong đó số tài sản cố định và đầu tư dài hạn hơn 41 ngàn tỷ đồng.

Đọc thêm