Quy hoạch đô thị Hà Nội: Vô nghĩa vì... lợi ích?

(PLO) - Không phải đến khi Thủ tướng Chính phủ lên tiếng về việc “quy hoạch nào cho phép xây nhà 50 tầng ở khu Giảng Võ” và Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định thành phố đang phải trả giá vì làm quy hoạch băm nát Hà Nội, mà từ hàng chục năm nay, không ít nhà quy hoạch, người quản lý, chuyên gia và dư luận đã cảm thán về việc quy hoạch Hà Nội một đằng làm một nẻo, tới mức thành phố phát triển rất tự phát, lộn xộn, “thiếu quy hoạch”...
Đường Lê Văn Lương đoạn giao từ Đường Láng đến ngã tư Hoàng Minh Giám (Thanh Xuân, Hà Nội) dài 1km nhưng phải “cõng” đến 40 tòa chung cư cao tầng
Đường Lê Văn Lương đoạn giao từ Đường Láng đến ngã tư Hoàng Minh Giám (Thanh Xuân, Hà Nội) dài 1km nhưng phải “cõng” đến 40 tòa chung cư cao tầng

Siêu đô thị góp phần phá nát đô thị Hà Nội

Khoảng 15 năm trước, một kiến trúc sư đã từng được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế liên quan đến kiến trúc đô thị đã từng “đánh cược” với người viết rằng, không quá 10 năm nữa, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, khi đó mới manh nha 1 – 2 tòa nhà đầu tiên, sẽ trở thành một khu Kim Liên, Trung Tự mới.

“Khu đô thị mới nhưng quy hoạch quá nhiều nhà cao tầng trong khi diện tích dành cho cây xanh, giao thông, trường học, khu thể thao lại rất hạn chế. Đó là chưa kể còn xác suất thực hiện. Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính sẽ nhanh chóng lâm vào tình trạng ùn ứ nghiêm trọng cả về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật” – vị kiến trúc sư này nói. Và, thực tế cho thấy, không cần đến 10 năm kể từ ngày bắt đầu đưa vào sử dụng, Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính giờ đang phải đối mặt với việc giải các bài toán nói trên.

Tình trạng mà Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính gặp phải cũng là tình trạng mà các khu đô thị, siêu đô thị khác ở Hà Nội đang đối mặt, ví như Khu đô thị Linh Đàm, Định Công... Một số khu vực khác ở Hà Nội, dù không được xây dựng thành khu đô thị có tên riêng, nhưng lại “quần cư” thành những khu vực tập trung tỷ lệ nhà cao tầng lớn, như khu vực đầu Lê Văn Lương, Vành đai 3, Minh Khai, Nguyễn Trãi... khiến cho giao thông tắc nghẽn, chất nặng lên hạ tầng điện, nước, trường, trạm... trong khu vực.

Trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khống chế mật độ dân số các quận trung tâm và giảm dần đến năm 2050. Như vậy, mục tiêu là phải hạn chế phát triển dự án mới, hạn chế chiều cao của các tòa chung cư. Thế nhưng, ngày càng nhiều cao ốc đua nhau mọc lên, rồi điều chỉnh từ tầng thấp lên số tầng cao hơn khá phổ biến… khiến không gian Hà Nội bị “bóp nghẹt”, dân số tăng chóng mặt, đường phố tắc nghẽn nhiều nơi… 

Quy hoạch không ý nghĩa vì chẳng mấy ai tôn trọng

Đến nay, nếu nhìn vào các bản quy hoạch thủ đô trong khoảng 30 năm trở lại đây, có thể thấy, các nhà chuyên môn cũng đã xây dựng những quy hoạch rất có ý thức trách nhiệm đối với thế hệ tương lai. Thế nhưng, đến khi thực hiện các quy hoạch đó, thì người ta lại nại ra được nhiều lý do để “vượt qua” quy hoạch. 

Trong thành phố, có những dự án kéo dài lưu cữu từ năm này sang năm khác chỉ để “ép” thành phố cho “cơ chế đặc thù” nhằm nâng tầng nhiều hơn. Dự án nâng tầng, nâng mật độ xây dựng... trong khi trường học, giao thông, hạ tầng điện, nước không “chạy” theo kịp khiến Hà Nội trở thành một trong những đô thị có môi trường sống ngột ngạt nhất cả nước.

Nhận định về tình trạng này, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – cho rằng đang tồn tại một cách thức điều chỉnh quy hoạch một cách vô lối: “Cứ nơi nào “chất” được là “chất” lên. Trước đây 20 tầng nhà đầu tư thấy không lãi lắm xin lên 30 tầng, sau một hồi “chạy” cũng được 30 tầng, sau đó không thấy lãi lắm lại “chạy” lên 40 tầng và cũng được chấp nhận… Không thể tiếp tục cách này được, khi một quy hoạch được duyệt có nghĩa là chúng ta đã tính được sức tải không gian của khu vực đó rồi, quá tải là không chịu được”.

Chia sẻ về quy hoạch đô thị Hà Nội, kiến trúc sư Hoàng Thịnh, đồng thời cũng là một nhà quản lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, nhận định, chỉ có làm quy hoạch, thực hiện quy hoạch với trách nhiệm và lương tâm với bản thân, với thế hệ tương lai, thì mới mong cải thiện được tình trạng nghiêm trọng này của thành phố. “Hà Nội không chỉ là một thành phố, mà còn là thủ đô, là bộ mặt của đất nước. Nhìn cách thức phát triển manh mún, tan hoang hiện nay có thể thấy được cách điều hành và nhóm lợi ích ở đó. Nó khiến cho chúng ta ngày càng xa cơ hội có được thủ đô đẹp, quy củ, kể cả sau này chúng ta có nhiều tiền” – ông Hoàng Thịnh nói. 

Chỉ đạo của Thủ tướng về công trình cao tầng trong nội đô Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đầu tư xây dựng công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình cao tầng theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội; xử lý đúng thẩm quyền, theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo việc sửa đổi Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 4/4/2016 của UBND thành phố Hà Nội, không được quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong quyết định của UBND thành phố Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội và Văn phòng Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong việc trình, xử lý các hồ sơ để xử lý đúng thẩm quyền, không đẩy việc lên Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm