Quyết định “tuyên chiến” nạn băm nát quy hoạch

(PLO) - Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa vừa ra quyết định thu hồi giấy phép xây dựng và đình chỉ thi công công trình thuộc một dự án tổ hợp khách sạn căn hộ cao cấp.
Ảnh minh họa nguồn internet
Ảnh minh họa nguồn internet

Theo đó, sau khi tiến hành thanh, kiểm tra, cơ quan quản lý xây dựng Khánh Hòa phát hiện chủ đầu tư đã không chấp hành yêu cầu “không được xây dựng công trình vượt quá 40 tầng” của UBND tỉnh Khánh Hòa và quy hoạch thành phố Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó nhấn mạnh, tất cả các công trình trên địa bàn không được quá 40 tầng. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan quản lý phát hiện công trình này đang xây dựng ở tầng thứ 43.

Do đó, trong quyết định, cơ quan quản lý yêu cầu chủ đầu tư nộp lại giấy phép xây dựng bị thu hồi. Sau 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định này, nếu doanh nghiệp không nộp lại giấy phép, Sở Xây dựng Khánh Hòa sẽ ban hành quyết định hủy giấy phép xây dựng đã cấp theo luật định.

Quyết định này cũng đề nghị đơn vị cấp thoát nước dừng ngay việc cấp nước đối với công trình này. Trong thời gian tối đa 60 ngày, chủ đầu tư không trình được giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp thì sẽ bị cưỡng chế phá dỡ và chịu mọi chi phí cho việc cưỡng chế phá dỡ.

Chúng ta hoan nghênh quyết định “dũng cảm” của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa. Bởi trên thực tế, “triết lý” đồng tiền (triết lý Năm Cam) đang là một nguy cơ lớn, phá vỡ nhiều quy hoạch phát triển của đất nước, của ngành và lãnh thổ. Chúng ta đã từng chứng kiến cơ quan quản lý nhà nước đã từng khổ sở “chạy” để bổ sung quy hoạch như thế nào? Nguyên do, địa phương nào cũng “chạy”, đặt bộ quản lý nhà nước vào tình thế “phải” bổ sung, điều chỉnh.

Vụ này làm người ta nhớ đến nhiều dự án khác sau đó phải mất rất nhiều thời gian, lãng phí rất nhiều tiền của để giải quyết hậu quả.

Ngay từng khu dân cư, ví như Linh Đàm (Hà Nội) cũng đang bị băm nát vì “triết lý đồng tiền”. Một nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng từng than thở không thể có mật độ dày đặc như vậy được, ai cho phép xây dựng như vậy, đúng là “băm nát” quy hoạch. Không thể hình dung được, tại sao có 5ha mà lại được phép xây 12 tòa nhà  cao tầng.

Không thể căn cứ vào việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân mà buông lỏng quản lý, phá vỡ quy hoạch đô thị. Bởi có rất nhiều vấn đề đặt ra đối với số lượng cư dân hàng vạn người trên một diện tích chật hẹp. Đó không đơn thuần là những hệ lụy về mặt kiến trúc mà còn là hạ tầng xây dựng, hạ tầng giao thông, xã hội… Sau trận lụt ở Hà Nội ngày 25/5/2016, một kiến trúc sư thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam cảnh báo Hà Nội sẽ còn ngập lụt nhiều vì quy hoạch bị băm nát.

Không thể để “triết lý đồng tiền” tiếp tục “băm nát” quy hoạch, nói rộng ra là “băm nát” đất nước, chỉ làm giàu cho các chủ đầu tư.

Đọc thêm