Siêu dự án 3000 tỷ đồng bê bết

(PLO) - Với tổng mức đầu tư lên đến gần 3.000 tỷ đồng, nhưng gần nửa thập kỷ trôi qua, dự án Khu đô thị phía Đông đại lộ Bắc Nam tại tỉnh Thanh Hóa vẫn chỉ hoang hóa cỏ dại, người dân mất ruộng thì hết sức bức xúc…
Được phê duyệt từ năm 2010, đến nay dự án Khu đô thị phía Đông đại lộ Bắc Nam tỉnh thanh hóa vẫn là bãi đất hoang cỏ mọc um tùm gây bức xúc dư luận
Được phê duyệt từ năm 2010, đến nay dự án Khu đô thị phía Đông đại lộ Bắc Nam tỉnh thanh hóa vẫn là bãi đất hoang cỏ mọc um tùm gây bức xúc dư luận
Đại dự án trên “cánh đồng hoang”
Chính thức thực hiện từ năm 2010, Khu đô thị phía Đông Đại lộ Bắc Nam (Tp. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) do Công ty TNHH điện tử tin học viễn thông EITC thực hiện. Theo đó, dự án này có quy mô lên đến 57,95ha, với tổng mức đầu tư lên đến 2.980.570.000.000 đồng.
Có quy mô “chiếm” đất với ba địa bàn gồm phường Đông Thọ, Hàm Rồng, Nam Ngạn, nhưng khi được hỏi thì hầu hết người dân tại địa bàn dự án cho hay không biết có khu đô thị nào có tên như vậy tồn tại ở khu vực này cả. “Chỉ có công ty Đại Phúc, công ty 507, chúng tôi chưa nghe công ty EITC nào xây khu đô thị hết”, bà Hoàng Thị Mỹ, một người dân bản địa cho hay.
Nằm bên bờ sông Mã, Khu đô thị phía Đông đại lộ Bắc Nam được chủ đầu tư giới thiệu là biến “cánh đồng hoang” với cỏ dại thành những căn biệt thự, nhà liền kề quy củ, hoành tráng. 

Đại diện UBND phường Nam Ngạn, nơi dự án lấy mặt bằng cho biết, dự án này được triển khai từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa đền bù cho các hộ dân thuộc diện bị giải tỏa. Theo đó, gần nửa thập kỷ trôi qua, thay vào những blog chung cư, những căn hộ liền kề… là các đám ruộng hoang với cỏ mọc lút đầu trên công trình trọng điểm của EITC đã từng công bố.

Một người dân ở khu vực dự án tên Hải cho biết, trước đây khu vực này bà con canh tác nông nghiệp, nhưng “mấy năm trước người ta công bố dự án rồi “treo” từ đó đến nay”. “Tiền đền bù thì không được nhận, đất đai thì để hoang. Mưa thì gây ngập úng, nắng thì khô hạn khiến người dân không thể cấy lúa hay trồng hoa màu trong khi vẫn mòn mỏi chờ đền bù”, ông Hải bức xúc cho hay.

“Hắn không làm chi cả, cũng chưa khi nào gặp dân, cái tên công ty đó chúng tôi chưa được nghe lần nào, chỉ biết Trung tâm phát triển quỹ đất của tỉnh từng gửi giấy đền bù nhưng từ đó đến nay không có tiến triển gì cả. Cả dự án giờ đang bê bết hết, đất ruộng của bà con không được canh tác, muốn cấy lúa, trồng rau cũng không được vì người ta nói đã quy hoạch”, ông Bùi Đình Thái, một người dân ở đây cho hay.

Không chỉ gây bức xúc cho người dân ở địa bàn Tp. Thanh Hóa, cái tên Công ty TNHH điện tử tin học viễn thông EITC cũng gây ức chế cho những ngư dân ở xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn).

Theo đó, năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 3338/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu xây dựng Khu biệt thự cao cấp có sử dụng đất, mặt bằng quy hoạch 04 XD/UB tại xã Quảng Cư, Thị xã Sầm Sơn với đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH điện tử tin học viễn thông EITC liên kết với Công ty cổ phần Thương mại đầu tư bất động sản An Phát. Dự án này có quy mô dự án 6,71ha với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh đảm bảo để ở kết hợp kinh doanh với tổng mức đầu tư hơn 550 tỷ đồng.
Cỏ mọc ùm tùm, phế liệu đổ bừa bãi tại dự án khu biệt thự cao cấp Quảng Cư - Thanh Hóa
 Cỏ mọc ùm tùm, phế liệu đổ bừa bãi tại dự án khu biệt thự cao cấp Quảng Cư - Thanh Hóa
Tuy nhiên đến nay, dự án có tổng mức đầu tư 550 tỷ này đang gặp phải sự phản ứng của các hộ dân bị thu hồi đất. Công tác đền bù, GPMB vẫn chưa thực hiện xong. Để khẳng định “chủ quyền”, chủ đầu tư mới tranh thủ dựng lên một nhà hàng khá hoành tráng nhưng chưa có dấu hiệu hoạt động. Xung quanh là những bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, phế liệu xây dựng đổ lung tung. Không những vậy, một số căn nhà bị cưỡng chế đập phá dở dang có thể đổ bất cứ lúc nào.
Đền bù 2 triệu, bán 27 triệu?

Tại dự án Khu đô thị phía Đông đại lộ Bắc Nam, Chủ tịch UBND phường Nam Ngạn Hoàng Đình Hùng cho biết, có tổng số 273 hộ dân phải nhường đất cho dự án. Thế nhưng, công trình dù đã được cấp phép từ lâu nhưng chủ đầu tư vẫn “ngủ” khiến người dân không nhận được tiền đền bù, không có đất canh tác.

Trả lời phóng viên, một người dân xã Nam Ngạn cho biết: “Nghe thông tin dự án từ năm 2010, đã có thông báo của chính quyền thu hồi đất, nhưng có thấy hắn (nhà đầu tư - PV) thực hiện gì đâu. Tiền đền bù hắn chưa trả, đất thì không canh tác được, nhìn đất bỏ hoang mà thấy xót quá các chú à. Hắn có làm thì làm, không thì trả lại đất cho bà con còn làm ăn chứ”.

Còn ở xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, khi thấy có phóng viên đến tìm hiểu về dự án của EICT, người dân đã đổ xô ra kể về những bức xúc bị kìm nén nhiều năm nay.

Một số hộ đình tại thôn Hồng Thắng (Quảng Cư, Sầm Sơn Thanh Hóa) cho biết, việc đền bù GPMB ở đây còn khá nhiều vô lý. Hộ nhà ông Vũ Như Văn có 820m2 đất bị thu hồi với mức giá 1,5 triệu đồng/m2. Gia đình ông Ngô Hữu Thanh 1000m2 với giá 2,5 triệu đồng/m2.

“Lúc đầu họ nói đền bù 1,5 triệu/m2, sau đó dân phản ứng quá nên tăng thêm 500.000 đồng nữa. Bây giờ có 36 hộ không chịu nhận tiền đền bù vì giá quá rẻ, nhưng “hắn” khôn lắm, cứ mấy hôm lại mời dăm ba hộ dân đến họp để “tỉa” dần”, một người con của ông Văn cho hay.

Còn hộ ông Vũ Đình Cương và các con bị lấy đất làm dự án khu biệt thự cao cấp và đường Hồ Xuân Hương. Nhà đã bị đập nhiều năm nay nhưng vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Theo ông Cương cho biết, đất nhà ông thuộc diện đất đẹp nên được đền bù với mức giá 5 triệu đồng/m2. Trong khi đó giá thị trường đất của nhà ông Cương hiện nay rơi vào khoảng 25 - 30 triệu đồng/m2.

Lý giải về mức chênh khủng khiếp này, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thanh Hóa Phạm Tiến Dũng nói đại ý, so sánh thế thì vô cùng, vì nếu khách hàng mà có nhu cầu mua thực sự, và họ đã thích diện tích đất định mua thì giá cả sẽ được quyết nhanh gọn.

Cũng theo ông Cương, một điều vô lý ở đây là nhà đầu khi thu hồi đất lại đền bù với giá rất rẻ mạt, nhưng các hộ dân bị thu hồi đất lại phải trả từ 2,5-3 triệu đồng/m2 để được mua đất tái định cư của chính dự án mà họ đã bàn giao đất cho nhà đầu tư trước đó.

Trong khi đó, đất tái định cư cho các hộ dân ở xã Quảng Cư được lấy từ đất nông nghiệp với mức đền bù 60 triệu đồng/ sào (1 sào = 500m2). Sau đó đất này được bán lại cho người dân có nhu cầu với giá 3 triệu đồng/m2. Vậy khoản chênh lệch này sẽ rơi vào túi ai? Chủ đầu tư được lợi như thế nào? Người dân bị thu hồi đất đặt câu hỏi.
Xuất hiện “ông chủ” bí ẩn sau những dự án tai tiếng
Được thành lập năm 2003, Công ty TNHH Điện tử tin học viễn thông EITC có vốn điều lệ 450 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Bất động sản An Phát góp 48% vốn điều lệ. Công ty An Phát cũng nắm 45% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Đầu tư Fortune; 45% vốn điều lệ tại Công ty Đại Long. Mới đây nhất, Công ty An Phát cũng đã thâu tóm cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Xây dựng số 3 (Vinaconex 3).

Hiện nay, Công ty An Phát và Công ty CP XD và thương mại Đại Long cũng đang thực hiện dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc Khu ĐTM Đông Hương – Thanh Hóa. Dự án này có quy mô 2,91ha với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ.

Theo quan sát của phóng viên ANTT.VN, hiện nay dự án này gần như không hoạt động, không có công nhân làm việc tại công trường. Bên ngoài hàng rào, cỏ mọc um tùm, rào bạt tạm bợ, rách nát. Dự án không những có dấu hiệu “đắp chiếu” mà còn có nhiều sai phạm xây dựng khác như dựng nhà kho để cho một số đơn vị khác thuê làm văn phòng.

Đọc thêm