Sơn Trà (Đà Nẵng): Điểm tên những dự án trước khi có quy hoạch của Chính phủ

(PLO) - Dư luận đang quan tâm: Ngoài Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng biển Tiên Sa được UBND TP Đà Nẵng cấp phép cho các dự án ở bán đảo Sơn Trà trước khi có Đề án Quy hoạch phát triển du lịch của Chính phủ, còn có những đơn vị, cá nhân nào tham gia “băm nát” Sơn Trà?
Một dự án bỏ hoang trên bán đảo Sơn Trà
Một dự án bỏ hoang trên bán đảo Sơn Trà

11 dự án đã được giao đất, cho thuê đất

Theo Đề án Quy hoạch phát triển du lịch bán đảo Sơn Trà vừa được Chính phủ phê duyệt, hiện trạng trên bán đảo Sơn Trà có 32 dự án đã được xây dựng với diện tích 1.293,73ha. Trong đó có 20 dự án khu du lịch, 1 bảo tàng, 1 đài phát hình, 1 công trình tôn giáo, 1 trạm radar, 1 khu biệt thự, 1 cơ sở hàng hóa, 3 khu đất quốc phòng,...

Đáng nói, trước năm 2013, UBND TP Đà Nẵng với thẩm quyền của mình đã phê duyệt, cấp phép chủ trương đầu tư cho 25 dự án. Trong đó có 18 dự án du lịch và có 11 dự án có phòng lưu trú với quy mô phòng lưu trú gồm: 1.400 phòng khách sạn và 1.920 căn biệt thự. Đến nay, 11/18 dự án du lịch đã được ban hành Quyết định giao đất, cho thuê đất và giao quản lý đất tại bán đảo Sơn Trà. Nguồn tin riêng của PLVN, tổng diện tích này lên đến gần 612,5ha. Trong đó, diện tích đất được giao khoảng 90,6ha, đất được cho thuê 252,7ha và đất được giao quản lý 269,2ha.

Trong đó, Khu dịch vụ du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa của Cty CP Xây dựng 79... là những dự án được giao, cho thuê và giao quản lý diện tích đất lớn nhất tại đây.

Ngoài ra có Khu dịch vụ du lịch, sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa, chủ đầu tư Cty CP Xây dựng 79; Tổ hợp du lịch - dịch vụ cao cấp Sơn Trà, chủ đầu tư Cty CP Sơn Trà; Khu du lịch Bãi Trẹm (Dự án Mercure Sơn Trà Resort), Cty CP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) đầu tư; Khu du lịch sinh thái, nhà nghỉ, dịch vụ tại bán đảo Sơn Trà, do Cty TNHH Du lịch và Đầu tư xây dựng Sơn Hải đầu tư; Khu du lịch Bãi Bụt - Sơn Trà, chủ đầu tư thuộc về Cty CP Hải Duy...

Lo lắng tư hữu hóa “băm nát” Sơn Trà!

Đặc biệt, trong số đó, ngoài các dự án được Đà Nẵng phê duyệt để phát triển du lịch còn có những dự án Vườn sinh thái được chính quyền Đà Nẵng cấp cho bà Lê Thị Ngọc Oanh (trú phường Thanh Bình, Hải Châu) tại Lô 09 Khu vườn sinh thái, nhà nghỉ, khu biệt thự Suối Đá với diện tích rộng 1,24ha. Khu nhà nghỉ và du lịch sinh thái Bãi Trẹm, của chủ tư nhân Nguyễn Vọng… Điều này khiến dư luận lo ngại về việc “băm nát” bán đảo Sơn Trà theo kiểu “tư hữu hóa” khi các biệt thự nghĩ dưỡng, hay khu nhà biệt thự tương tự được mở ra và mua bán.

Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cho biết: “Khi chưa tìm hiểu kỹ các dự án được giao đất rừng để xây các cơ sở lưu trú và xây biệt thự nghỉ dưỡng trên Sơn Trà trước khi quyết định phê duyệt tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà là một quyết định vội vã. Vì sau khi có quyết định này được công bố, hàng loạt dự án ồ ạt được tiến hành, chặt phá rừng, cày xới đất, đổ bê tông hàng loạt móng công trình gây bức xúc dư luận”.

“Không chỉ thế, dư luận càng bức xúc hơn khi biết đã từng có chủ trương chia lô đất rừng để bán hàng trăm biệt thự cho cá nhân của TP Đà Nẵng. Các thoả thuận và quyết định phê duyệt dự án đầu tư trong đất rừng Sơn Trà thực hiện vội vàng, bỏ qua các bước thẩm định, đấu thầu, lấy ý kiến các cơ quan liên quan theo quy định chính là nguyên nhân khiến dư luận đặt câu hỏi”, ông Huỳnh Tấn Vinh chia sẻ thêm.

Trong khi đó, ông Hoàng Hải Vân, một người tâm huyết với Sơn Trà lên tiếng, hầu hết các dự án lớn xâm chiếm bán đảo Sơn Trà được chính quyền Đà Nẵng cấp phép và giao đất trong thời điểm trước khi có Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014. Thậm chí phần lớn các dự án còn được cấp phép và giao đất trước cả quyết định quy hoạch sai luật của UBND thành phố Đà Nẵng (Quyết định số 6758/QĐ- UBND ký ngày 20/9/2008) quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà chỉ còn 2.591,1ha.

Ông Hoàng Hải Vân gợi ý, trong số các nhà đầu tư có dự án tại bán đảo Sơn Trà, nếu như có một nhà đầu tư đi tiên phong bằng cách tự nguyện dừng dự án và trả lại cho Khu bảo tồn những diện tích đã được chính quyền địa phương “cấp phép”, dỡ bỏ những gì có thể dỡ bỏ, để phục hồi lại rừng và chuyển công năng những gì không thể dỡ bỏ sang phục vụ cho công việc nghiên cứu và thực hiện các chức năng khác của bảo tồn, nhà đầu tư đó chắc chắn sẽ được công luận vinh danh. “Sự vinh danh của công luận còn có tác dụng lớn gấp ngàn vạn lần việc bỏ tiền ra để quảng bá thương hiệu”, ông Hoàng Hải Vân nhấn mạnh.

Đọc thêm