Tăng trưởng xanh - “Lời giải” cho “bài toán” phát triển kinh tế đô thị

(PLO) - Hội thảo ứng dụng công nghệ giảm phát thải trong phát triển kinh tế đô thị và tăng cường khả năng thích ứng vừa diễn ra tại Cần Thơ với sự tham dự của nhiều lãnh đạo UBND các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các ban ngành.
Kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng phát triển tại TP Cần Thơ.
Kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng phát triển tại TP Cần Thơ.

Hội thảo đã tập trung bàn bạc, thảo luận việc ứng dụng, định hướng phát triển carbon thấp trong chính sách, chiến lược phát triển đô thị nhằm giải quyết các vấn đề lớn như gia tăng dân số ở khu vực trung tâm, ngập úng, ùn tắc giao thông, thiếu năng lượng,…Đồng thời tìm giải pháp nâng cao chất lượng môi trường đô thị, phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng, tiết kiệm và tăng cường tái chế năng lượng.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình định cư con người Liên Hợp quốc (UN – Habitat) tại Việt Nam cho biết, quá trìnhđô thị hóa góp phần mạnh mẽ vào phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của con người trên toàn cầu. Hơn 80% GDP toàn cầu đến từ các đô thị. Tuy nhiên, đô thị hóa cũng tiềm ẩn nhiều thách thức về mọi mặt đối các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

“Hiện tỷ lệ đô thị hóa chiếm khoảng 54% và dự báo đến năm 2050 tỷ lệ này sẽ tăng khoảng 75%, tác động mạnh mẽ đến bối cảnh toàn cầu. Đồng thời, mang nhiều thách thức về kinh tế, an ninh, xã hội. Tác động mạnh đến thị trường lao động, bất bình đẳng trong thu nhập, làm tăng nhanh nền kinh tế phi chính thức tại các thành phố. Bên cạnh đó, còn xuất hiện thêm nhiều khó khăn mới như biến đổi khí hậu và những dòng di cư đến đô thị, kéo theo sự lan rộng các khu ổ chuột và tội phạm, vi phạm pháp luật gia tăng.”, ông Quang nhấn mạnh.

Ông Quang cũng cho biết, tăng trưởng xanh là giải pháp tối ưu của những thách thức trên. Có nhiều lời giải cho định hướng tăng trưởng xanh, liên quan đến quản lý tài nguyên, hệ sinh thái, làm thế nào rác thải trở thành tiền; sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu các nguồn lực, giảm thiểu khí cacbon, nhà kính, ô nhiễm môi trường, sản xuất xanh, sạch; thay đổi lối sống con người; phát triển công nghiệp xử lý nước thải, đầu ra của người này, đầu vào của người kia tạo nguồn lực phát triển; phát triển du lịch xanh, tận dụng hệ sinh thái là thế mạnh của vùng. 

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ cho biết, hiện đang có nhiều chính sách thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư gắn với sự phát triển bền vững, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan điểm của TP Cần Thơ là thu hút các dự án không chỉ hướng đến phát triển kinh tế - xã hội mà cần phải bảo vệ môi trường, ngăn chặn, loại trừ các tệ nạn xã hội, đói nghèo lạc hậu.

Trong thời gian tới, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục quy hoạch các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc biệt quan tâm đến xử lý chất thải, nước thải. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh phòng dịch nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội gắn với tăng trưởng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam đã giới thiệu nhiều thành tựu công nghệ tiên tiến phù hợp với việc ứng phó với biến đổi khí hậu: tấm chắn ngập, bể ngầm thu nước mưa, hệ thống cảnh báo sớm, hệ thống lọc nước sạch từ nước biển, hệ thống biến  rác thải thành năng lượng.

Đọc thêm