Thị trường bất động sản sôi động đón Tết

(PLO) - Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, đây cũng là thời điểm vàng, sôi động nhất của thị trường bất động sản trong năm, nên các chủ đầu tư, nhà phân phối đua nhau đưa ra các khuyến mãi hấp dẫn để tăng tốc bán hàng.
Dòng tiền kiều hối có sự dịch chuyển, đổ vào bất động sản ngày càng tăng trong thời gian này
Dòng tiền kiều hối có sự dịch chuyển, đổ vào bất động sản ngày càng tăng trong thời gian này

Đón đầu dòng tiền

Cuối năm là thời điểm các chủ đầu tư thi nhau đưa ra hàng loạt nguồn cung để thu hút những dòng tiền lớn đang “nhăm nhe” đổ vào bất động sản (BĐS). Theo báo cáo của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tín dụng tiêu dùng đến cuối tháng 11/2016 tăng 14,57% so với cuối năm 2015. Đáng chú ý, vốn đầu tư và kinh doanh BĐS chiếm 8,5% tổng tín dụng. Đây được xem là một động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường này.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang “chảy” khá mạnh vào BĐS. Trong 11 tháng của năm, kinh doanh BĐS hút vốn FDI đứng thứ 2, sau công nghiệp chế biến, chế tạo với 49 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 740,93 triệu USD, chiếm 4,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), trung bình mỗi ngày trong tháng 10 có 8 doanh nghiệp BĐS ra đời. Xu hướng thành lập doanh nghiệp BĐS bắt đầu tăng mạnh từ cuối năm 2015, kèm theo đó là lượng vốn đổ vào thị trường này cũng tăng so với lĩnh vực khác.

Kế tiếp phải kể đến là kiều hối. Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Cty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, nếu trước kia kiều hối được sử dụng nhiều vào chứng khoán, tiết kiệm thì nay lại “chảy” nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đầu tư BĐS. Nguyên nhân được cho là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới với 0% lãi suất dành cho tiền gửi ngoại tệ, cùng với nó là thị trường chứng khoán với sự phát triển thiếu ổn định, nhiều rủi ro, nên dòng kiều hối đã có sự phân luồng mạnh mẽ.

“Qúy IV là thời điểm dòng kiều hối đổ vào BĐS nhiều nhất, tăng khoảng 15-20%. Ngoài ra, thói quen tiêu dùng của người dân thường tích cóp đến cuối năm để mua nhà”, ông Quyết nói.

Điều này đã làm cho giá trị tồn kho BĐS giảm mạnh vào thời gian này. Theo báo cáo của Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tính đến tháng 12, tổng giá trị tồn kho BĐS trên toàn quốc còn khoảng 31.842 tỷ đồng, giảm 19.047 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015 và so với tháng 11 giảm khoảng 867 tỷ đồng. 

Hiện nay, lượng tồn kho chủ yếu là thuộc phân khúc đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ. Trong số lượng tồn kho, giá trị đất nền nhà ở dẫn đầu với 14.325 tỷ đồng, tương đương 3.765.611m2; nhà thấp tầng tồn kho khoảng 8.874 tỷ đồng với 4.064 căn; căn hộ chung cư tồn kho khoảng 5.859 tỷ đồng, tương đương 4.042 căn; đất nền thương mại tồn kho khoảng 775.109m2, tương đương 2.784 tỷ đồng… 

Dồn dập giao nhà trước Tết

Theo Báo cáo về thị trường BĐS Việt Nam được VNREA công bố trong tháng 10 vừa qua, lượng giao dịch đã tăng trung bình 17%. Theo ông Tô Chí Công, Tổng Giám đốc G5 Invest: “Các nhà đầu tư thường dồn toàn bộ nguồn cung cho dịp Tết do có nguồn tiền tích cóp của người dân và kiều hối đổ vào BĐS, nên quý IV, số lượng giao dịch thường tăng 15-30% so với các quý trước của năm”.

Cụ thể, trong tháng 10, Hà Nội đã có khoảng 1.300 giao dịch (tăng 18,2% so với tháng trước). Nhiều dự án đang chuẩn bị bàn giao và đi vào hoạt động cuối năm 2016 như: dự án D’. Le Pont D’or - Hoàng Cầu (quận Đống Đa) của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, The one Residence tại Khu đô thị Gamuda, chung cư Hateco (quận Hoàng Mai), Tràng An Complex (Cầu Giấy), Sunsquare (Mỹ Đình)…

Còn tại TP HCM, trong tháng 10 đã có khoảng 1.225 giao dịch (tăng 16,7% so với tháng 9). Hàng loạt dự án được hoàn thành đưa ra thị trường như: căn hộ Tulip Tower tại quận 7, dự án TDH Phước Long nằm sát trục xa lộ Hà Nội (quận 9), căn hộ Citihome của Kiến Á, dự án Dragon Hill tại khu Nam sài Gòn,…

Thị trường miền Trung lại là điểm nóng của giao dịch BĐS nghỉ dưỡng với nhiều dự án được mở bán của các tập đoàn như Vingroup, Sungroup, FLC tại Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc với một loạt dự án như Cocobay Đà Nẵng, Panorama Nha Trang, Ariyana Nha Trang, Movenpic Cam Ranh, Bãi Trường – Phú Quốc...

Để đạt doanh số bán hàng, các chủ đầu tư đang tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, chính sách hỗ trợ vay vốn, thanh toán ưu đãi nhằm kích thích người mua. Đặc biệt là chính sách kéo dài thời gian thanh toán và đẩy mạnh tỷ lệ chiết khấu được nhiều chủ đầu tư áp dụng và đã có hiệu quả lớn nhất. 

Để đẩy mạnh giao dịch cuối năm, Cty BĐS HimLam Land chào bán dự án với giá tầm 1,5 tỷ/căn và khách hàng chỉ phải trả 45% giá trị hợp đồng sẽ được nhận nhà, 50% còn lại được trả chậm tiếp trong 4 năm. Tổng thời gian trả lên đến 6 năm (72 tháng) và được chia nhỏ trả chậm 1%/tháng.

Tập đoàn Novaland đưa ra chương trình khuyến mãi cho dự án Sunrise Riverside (Nguyễn Hữu Thọ, Nam Sài Gòn) bằng chính sách khách hàng được nhận nhà khi thanh toán trước 40% giá trị, phần còn lại thanh toán 1%/tháng, lãi suất 0% trong gần 3 năm. Dự án Sunrise Riverside chiết khấu lên đến 16% giá trị hợp đồng kèm gói nội thất cao cấp giá trị 167 triệu. 

Theo ông Vũ Cương Quyết, để tăng tính thanh khoản, thị trường BĐS cao cấp đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhất. Hàng loạt dự án cao cấp của các “ông lớn” như Novaland, Capitaland, Keppel Land… cũng đưa ra phương thức thanh toán chỉ từ 1-2%/tháng và kéo dài thời hạn thanh toán. 

Ngoài ra, số liệu thống kê tìm kiếm BĐS trực tuyến cho thấy, phân khúc nhà riêng, nhà mặt phố nhận được sự quan tâm nhiều nhất với tỷ lệ 39% năm 2016. Căn hộ chung cư đứng vị trí thứ hai với tỷ lệ 25%. Tức là cứ 100 người tìm mua nhà đất thì có 25 người tìm kiếm các căn hộ chung cư. Điều này cũng cho thấy, đầu tư căn hộ vẫn nhiều tiềm năng trong dài hạn.

Đọc thêm