Thị trường Căn hộ - Văn phòng: Bao giờ được “chính danh”?

(PLO) - Không được xếp vào loại hình văn phòng cho thuê, cũng chưa được công nhận là căn hộ chung cư, song thị trường Căn hộ - Văn phòng (Office – tel): vẫn đang tồn tại với nhiều điểm cộng. Theo các chuyên gia, cần thiết phải tháo gỡ những vướng mắc pháp lý để thị trường này phát triển…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đó là vấn đề được đưa ra tại Hội thảo chuyên đề: “Thị trường Căn hộ - Văn phòng (Office – tel): Nhu cầu phát triển và những vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ” do Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam và Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam tổ chức sáng qua, 17/3.

Hai năm nay, thị trường BĐS đã xuất hiện loại hình sản phẩm mới có tên gọi : Căn hộ - Văn phòng (Office – tel). Sản phẩm này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của thị trường và trở thành một xu hướng đầu tư mới. Thị trường TP.HCM đã có khoảng 40 – 50 dự án phát triển theo mô hình này.

“Office – tel là mô hình tốt, đang phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu cao và rất phù hợp với các DN vừa và nhỏ, các doanh nhân trẻ mới khởi nghiệp, các công ty nước ngoài muốn mở văn phòng đại diện, các chuyên gia nước ngoài làm việc lâu dài tại Việt Nam…”- ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu.

Theo nhận định của CBRE Việt Nam với tính chất kết hợp giữa cả yếu tố thương mại và nhà ở, Office – tel đem nhiều lợi ích cho cả chủ đầu tư lẫn người sử dụng hay sở hữu. Tính kinh tế cũng là một điểm cộng trong mắt người sử dụng khi thay vì trả tiền thuê văn phòng cùng với phí dịch vụ và các loại phí khác, giá thuê Office – tel tương đối cạnh tranh hợp lý, đặc biệt đối với DN nhỏ hay DN khởi nghiệp. Office – tel góp phần làm phong phú hơn cơ cấu sản phẩm của dự án và giúp thu hồi dòng tiền nhanh hơn các loại hình thương mại khác…

Theo PGS – TS Doãn Hồng Nhung (Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội), để có thể hiểu đúng là loại hình Office – tel, cần phải hiểu rằng việc loại hình này được quy định thời hạn 50 năm sở hữu nghĩa là Office – tel đang được coi là mô hình văn phòng làm việc không giới hạn thời gian và có thể  ngủ qua đêm như chức năng của một nhà nghỉ, được phép lưu trú cho một, hai người chứ không có tính chất cư trú.

Vì vậy loại hình BĐS này chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, chứ không phải nhà ở và không được đăng ký hộ khẩu thường trú … “Thiết nghĩ, những nhà làm luật cần phải điều chỉnh lại những quy định pháp luật để bắt kịp xu thế hiện nay” - vị chuyên gia này đề nghị. 

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Trần Ngọc Phượng - Đoàn Luật sư TP.HCM, đề nghị phải cho sử dụng Office – tel một cách hợp pháp bằng những quy định pháp luật cụ thể, nhằm khai thác nguồn lực của xã hội. Dù đứng ở góc độ nào, thì phải kết hợp lợi ích hài hòa giữa các bên, và phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội. Luật sư cho rằng xã hội phải thừa nhận những tiện ích của loại hình căn hộ này, và cũng cần phải xem lại Luật Nhà ở vì sao phải cấm kinh doanh trong căn hộ ?

 Phó TGĐ CTCP Đầu tư Căn nhà Mơ Ước, ông Lê Đình Trung cũng cho rằng mô hình Office – tel là một xu hướng mới, rất có tiềm năng phát triển trong tương lai. Ông Trung cũng đề nghị được sửa một số điều trong Luật để Office – tel cũng có quyền sở hữu như căn hộ chung cư. “Trong khi chờ đợi, Bộ Xây dựng nên có thông tư hướng dẫn, quy định các chỉ số cụ thể đối với dự án có mô hình này để khách hàng yên tâm, quyền lợi của họ được đảm bảo và chủ đầu tư còn biết để xây dựng quy chuẩn hơn thay vì phải tự tính toán, tự khảo sát như hiện nay…” - ông Trung đề nghị.

Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, sự ra đời và phát triển của mô hình Office – tel là theo quy luật thị trường, phù hợp với nhu cầu thực tế và là sự cổ vũ cho chủ trương thúc đẩy khởi nghiệp của Chính phủ, vì vậy cần thiết phải tạo lập một môi trường đầu tư lành mạnh và một hành lang pháp lý thuận lợi để tháo gỡ những vướng mắc, nhằm thúc đẩy loại hình BĐS này phát triển một cách minh bạch và bền vững.

Trước tình hình trên, Cục quản lý nhà và thị trường BĐS và Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết đang xin ý kiến lãnh đạo Bộ Xây dựng, chuẩn bị dự thảo Thông tư liên quan đến Condo-tel và Office–tel nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết đang đặt ra trên thị trường theo hướng công nhận, tạo điều kiện cho loại hình này phát triển.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết việc đưa ra một văn bản pháp lý để điều chỉnh, quản lý loại hình Office-tel, trước hết, phải đặt được tên cho loại hình thì mới ra được văn bản luật quản lý, điều chỉnh.

Trước đó, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã tổ chức một Hội thảo về các vấn đề pháp lý của loại hình Căn hộ khách sạn (Condo-tel) tại Hà Nội và đã có văn bản kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan. Kiến nghị của Hiệp hội đã được các cơ quan quản lý đánh giá cao và cam kết tiếp thu và có những văn bản hướng dẫn kịp thời trong thời gian tới. 

Đọc thêm