Thương vụ Lavenue Crown và những rủi ro pháp lý

(PLO) - Một lần nữa thương vụ Lavenue Crown liên quan đến khu đất vàng số 8 - 12 Lê Duẩn (quận 1, TPHCM) khiến cho nguyên Phó Chủ tịch TP HCM, ông Nguyễn Thành Tài bị bắt lại “nóng” lên khi mới đây các trọng tài VIAC lấy làm ví dụ khi cảnh báo về các rủi ro pháp lý liên quan đến mua bán và sáp nhập (M$A) doanh nghiệp (DN)…
Khu đất “vàng” gần 5.000 m2 tại  số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM. Ảnh Zing
Khu đất “vàng” gần 5.000 m2 tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM. Ảnh Zing

Những vấn đề pháp lý quanh thương vụ Lavenue Crown

Tại Hội thảo “Giao dịch M&A: Nhận diện rủi ro pháp lý, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp”do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức mới đây, ông Phạm Duy Nghĩa, Trọng tài viên VIAC, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam, đã dẫn chứng thương vụ Lavenue Crown và cho rằng đây là một vụ việc thú vị, đặt ra rất nhiều câu hỏi pháp lý xung quanh.

 Câu hỏi thứ nhất là với việc các nhà đầu tư (NĐT), hình như đã dựng lên một công ty để mua cổ phần và có quyền kiểm soát lô đất ở vị trí không thể đẹp hơn này thì những giao dịch như vậy có hợp pháp hay không? Mảnh đất này có hai chế độ là cho thuê (có trả tiền hàng năm) và cấp cho đơn vị có chức năng. Vậy thì việc cấp này có hợp pháp không? Cơ quan chức năng đã cấp sổ đỏ - quyền sử dụng đất cho đơn vị liên quan, nay muốn thu hồi thì có thu hồi được không? Thêm vào đó, ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi quyền lợi NĐT (nếu có) bị ảnh hưởng? Người ký là cá nhân nhưng người đó lại là đại diện cho UBND TPHCM theo trách nhiệm được giao? Trong trường hợp TP HCM thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và rút lại phê duyệt dự án, làm cách nào để giải quyết hậu quả tài chính, cụ thể nhằm khắc phục việc mất NĐT?...

Câu chuyện này, theo ông Nghĩa, cho thấy việc mua bán DN nhà nước liên quan đến nhiều đạo luật khác nhau, không đơn giản là về Luật DN, Bộ luật Dân sự 2015 (nội dung về hợp đồng) hay Luật Đầu tư mà còn cả Luật Đất đai, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công… Trong số này, có những luật rất phức tạp, phân tán…

Từ vụ việc này, ông Nghĩa cho rằng quá trình M&A doanh nghiệp (DN) nhà nước thường có 10 bước, trong đó bước 1 đến bước 4 là các bên gặp gỡ trao đổi, thường là “mờ mờ sương khói” thì luật sư không được tham gia, may ra luật sư chỉ được tham gia từ bước thứ 5 trở đi nên rất khó khi sự kiện pháp lý xảy ra.

Do vậy, lời khuyên đầu tiên của ông Nghĩa với NĐT ngoài nước khi M&A DN nhà nước, hoạt động đang và sẽ sôi nổi trong thời gian tới do chiến lược cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tiếp tục đẩy nhanh, là cần thời gian dài để tìm hiểu kỹ nhằm tránh rủi ro.

Theo ông, pháp luật của Việt Nam hiện có những cam kết với các NĐT, nhất là nước ngoài nhưng đồng thời các DN nhà nước cũng đang phải tuân thủ luật chơi ngày càng khắt khe hơn khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA…

Và để có thể M&A thành công những công sản, theo ông Nghĩa, các NĐT còn cần hiểu và vận dụng linh hoạt những quy định luật pháp, những thể chế chính thức và cả những quy luật bất thành văn; cần hài hòa lợi ích các bên, chia sẻ quyền lợi và nhất là có niềm tin vào chính quyền, biết thông cảm với những vướng mắc.

Nhận diện rủi ro

Trong 10 năm qua, thị trường M&A tại Việt Nam đã tạo ra giao dịch khoảng 4.350 thương vụ, với doanh số đạt gần 49 tỷ USD. Thị trường này được sự báo sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới cùng với sự khởi sắc đi lên của nền kinh tế trong nước. Cùng với đó, các rủi ro cũng tăng lên, đặc biệt rủi ro về mặt pháp lý, nguyên nhân chính dẫn đến đổ bể thương vụ hoặc thậm chí xảy ra những vụ tranh chấp kiện tụng ồn ào và tốn kém.

Từ thực tế giải quyết nhiều tranh chấp giữa các DN, ông Trương Nhật Quang, Luật sư thành viên, Công ty Luật TNHH YKVN cho rằng, có rất nhiều rủi ro phát sinh trong thực tế ở các thương vụ NĐT mua cổ phần DN  Việt Nam. Những vấn đề hàng đầu là vi phạm cam đoan và bảo đảm; cơ chế xác định/điều chỉnh giá; bồi hoàn và các vấn đề thỏa thuận cổ đông.

“Khi tham gia vào các thương vụ M&A, các DN cũng như NĐT phải nắm bắt được những quyền và nghĩa vụ của mình. Chỉ như vậy, DN và NĐT mới có thể chủ động nhận diện được các rủi ro có thể xảy ra sau khi thực hiện các M&A, ông Heehwan Kwon - Giám đốc KCAB đưa ra lời khuyên.

Đặc biệt, điều đáng lưu ý trong M&A là đa số các mâu thuẫn xảy ra do luật pháp Việt Nam và quốc tế có những quy định khác nhau, hợp đồng mua bán được điều chỉnh bởi luật pháp Việt Nam hay nước ngoài cần thể hiện rõ. Chính vì vậy, việc nhận biết được rủi ro và phòng ngừa là yếu tố tiên quyết để tránh những tranh chấp, rủi ro không cần thiết.

Theo Luật sư Đặng Xuân Hợp – Trọng tài viên, VIAC, điều quan trọng là giải quyết tranh chấp một cách “đảm bảo hài hoà, lợi ích hợp lý giữa các bên”. Luật sư Hợp cho rằng, sử dụng con đường giải quyết bằng trọng tài là giải pháp tốt nhất với nhiều ưu thế nổi trội.“Đây là phương thức lựa chọn hữu ích dành cho các DN. Với cách này, DN có thể lựa chọn trọng tài trong nước hoặc quốc tế để giải quyết từng vụ tranh chấp khác nhau. Tuy nhiên, việc lựa chọn trọng tài trong nước sẽ giúp các DN tiết kiệm và giảm chi phí một cách đáng kể. Khả năng thi hành và sự ủng hộ của tòa án trong nước cũng là một thuận lợi đối với DN”- Luật sự đưa ra lời khuyên…

Đọc thêm