Tín dụng chính sách: Điểm tựa thực hiện bình đẳng giới

(PLO) - Từ nhận thức việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế không chỉ tính đến hiệu quả kinh tế mà còn tính đến hiệu quả xã hội, vì nghèo đói, thiếu việc làm tác động mạnh mẽ đến mỗi gia đình, mà người chịu thiệt thòi nhất là phụ nữ và trẻ em, điều này ảnh hưởng lớn đến sự bình đẳng, tiến bộ và phát triển của phụ nữ, nên 15 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã gắn kết hoạt động của hội với tín dụng chính sách, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Hội.
Gia đình chị Dương Thị Liên đã thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi
Gia đình chị Dương Thị Liên đã thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi

Đòn bẩy giúp phụ nữ thoát nghèo

Ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình), gia đình chị Hoàng Thị Ngân - hội viên Hội liên hiệp Phụ nữ xã Nam Trạch - được xem là tấm gương về thoát nghèo từ vốn vay của NHCSXH. Mặc dù cần cù chăm chỉ, tích cực hưởng ứng phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Phụ nữ xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn phát động, nhưng cuộc đời chị chỉ bước sang trang mới khi năm 2013 được vay ưu đãi 30 triệu đồng, kết hợp với nguồn vốn tự có, gia đình đã đăng ký, làm hồ sơ cho chồng chị là Nguyễn Mạnh Cường đi xuất khẩu lao động tại Malaysia.

Từ đây thu nhập từ xuất khẩu lao động đã tạo ra bước tiến lớn trong kinh tế, với nguồn thu nhập từ 15 triệu đồng/1 tháng, đây là khoản thu nhập lớn đối với gia đình. Dồn lại 5 năm, gia đình chị có được trên 400 triệu đồng, đã trừ phần chi phí. Từ chỗ thuộc diện hộ cận nghèo, đến nay gia đình chị đã thoát nghèo bền vững với căn nhà khang trang mới xây có diện tích hơn 100m2.

“Nếu không có nguồn vốn cho vay ưu đãi thì gia đình tôi không thể có được như ngày hôm nay. Tôi xin cảm ơn Nhà nước đã tạo điều kiện về nguồn vốn cho gia đình tôi và những hộ nghèo có nhu cầu vay để sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu cho bản thân và gia đình một cách chính đáng”, chị Ngân tâm sự.

Còn gia đình chị Dương Thị Liên ở thôn Cà, xã Hòa Trạch bắt đầu làm kinh tế từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ biết nắm bắt thời cơ và bản tính chăm chỉ, cần cù, dám nghĩ dám làm nay gia đình đã thoát nghèo và có thu nhập cao. Năm 2015 chị Liên bàn với chồng vay 40 triệu đồng vốn ưu đãi và tận dụng diện tích đất trồng lúa ở vùng chiêm trũng khó canh tác để phát triển mô hình trang trại VAC tổng hợp, chị nhanh chóng thực hiện kế hoạch, vừa thuê máy xúc đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, vừa tranh thủ thời gian tìm hiểu các loại giống vật nuôi phù hợp với xu hướng, nhu cầu thị trường...

Hiện nay, ngoài nuôi 3 con bò, 7 con lợn nái giống, 120 con lợn thịt bán thương phẩm, mỗi năm gia đình chị bán được khoảng 9 tấn lợn thịt; trâu, bò, gà đẻ trứng; ngoài ra, tận dụng nguồn thức ăn từ chăn nuôi để nuôi thả cá tại 3 hồ cá rô phi, trắm, mè, gáy...

Giao vốn cho chị em phụ nữ rất yên tâm!

Theo đánh giá của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), thông qua hoạt động ủy thác với NHCSXH, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tạo ra phương thức kết hợp giữa một đoàn thể chính trị - xã hội với ngân hàng được quốc tế đánh giá cao, phát huy lợi thế, sức mạnh của từng cơ quan, nên phụ nữ nghèo được tiếp cận với vốn của Nhà nước thuận tiện, giảm tình trạng cho vay nặng lãi, bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước. Điều đó cho thấy giao vốn cho chị em phụ nữ, ngân hàng rất yên tâm.

Bà Bùi Lan Anh - Trưởng phòng Giảm nghèo Ban Kinh tế - Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, sự hiệu quả trên là nhờ các cấp hội thực hiện nghiêm túc việc thực hiện, kiểm tra giám sát, có kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm và kiểm tra đột xuất khi cần thiết. Đặc biệt là tổ chức đối chiếu đến từng hộ vay, kết hợp với các cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay có hiệu quả và thực hiện lồng ghép các chương trình dự án tạo thêm việc làm tăng thu nhập giúp hộ vay giảm nghèo.

Bà Trần Thị Thuận - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bố Trạch chia sẻ, trong 15 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bố Trạch đã gắn kết hoạt động của hội với tín dụng chính sách, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Hội hỗ trợ thành viên bước qua cái nghèo phát triển kinh tế bền vững.

Đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bố Trạch đã nhận ủy thác 30/30 xã, thị trấn với NHCSXH, thành lập được 174 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Mô hình tổ chức Hội từ chi hội, tổ hội đã góp phần kết nối rộng hơn đến các hội viên. Đây cũng là một trong những “đòn bẩy” để vận động hội viên tham gia hoạt động của tổ chức Hội.

Sự nỗ lực của từng cán bộ hội đến mô hình “bám rễ” vào thôn bản đã góp phần đưa tổng nguồn vốn do Hội quản lý đến nay đạt trên 185 tỷ đồng, với 14 chương trình cho vay, chiếm tỷ lệ hơn 43% tổng nguồn vốn NHCSXH trên toàn huyện, với 21.245 lượt hộ nghèo được vay vốn.

Cùng với đó, Hội Phụ nữ huyện chủ động phối hợp với trung tâm khuyến nông, phòng kinh tế - kế hoạch huyện, trung tâm dạy nghề... tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; đào tạo nghề, chú trọng tới các hội viên vay vốn, nhiều chị mạnh dạn đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, sử dụng vốn có hiệu quả, sản xuất, kinh doanh, nuôi, trồng cây, con có giá trị kinh tế cao, phát triển kinh tế gia đình theo hướng trang trại… từng bước cải thiện, nâng cao mức sống gia đình, nhiều chị đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. 

Với những kết quả đạt được sau 15 năm phối hợp ủy thác, NHCSXH huyện Bố Trạch đã được Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp, triển khai thực hiện chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm với hội viên, phụ nữ. 

Đọc thêm