Tội phạm ngân hàng

(PLO) -Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ cướp ngân hàng - một hiện tượng ít thấy xưa nay. Tuy nhiên, các vụ cướp này dù có hành động liều lĩnh, lên kế hoạch chu đáo nhưng chẳng bao lâu sau đó chúng đều bị tóm gọn và số tiền ngân hàng bị cướp được thu hồi lại nguyên vẹn.
Vụ cướp ngân hàng mới đây tại Tiền Giang
Vụ cướp ngân hàng mới đây tại Tiền Giang

So với những vụ cướp ngân hàng lấy đi vài tỷ này thì những vụ "cướp" ngân hàng bằng các thủ đoạn khác số lượng lớn hơn rất nhiều và tiền không thể thu hồi được. Trong những năm gần đây, các vụ "đại án" liên quan đến ngân hàng lần lượt được đưa ra xét xử và con số trăm tỷ, nghìn tỷ "thất thoát" qua con đường ngân hàng đã nói lên sự nghiêm trọng của loại tội phạm này.

Đáng chú ý là tội phạm tham nhũng liên quan mật thiết đến tội phạm ngân hàng. Điển hình mới nhất là Vũ "nhôm" đã "rút" từ Ngân hàng TMCP Đông Á của ông Trần Phương Bình trên 13 triệu đô la dưới hình thức "mua hộ". Đáng chú ý hơn là với 13 triệu đô la này, Phan Văn Anh Vũ khai là "không nhớ đã tiêu xài số tiền này như thế nào". Như vậy, không biết tiền đi đâu thì khó có thể mà thu hồi được trong khi mối quan tâm của mọi người là tiền, tài sản tham nhũng phải thu hồi được.

Cái chung của các vụ án ngân hàng này là rút ra một cách quá dễ dàng. Chính vì sự dễ dàng đó mà "siêu lừa" Huyền Như đã làm khuynh đảo cả hệ thống ngân hàng nằm trong "tầm ngắm" của cô ta khiến hàng ngàn tỷ đồng "bay hơi" không dấu vết. Một loạt các cán bộ ngân hàng dính vòng lao lý cũng bởi cho vay quá dễ hàng trăm tỷ đồng mà khó thu hồi lại được.

Hiện tượng này xảy ra nhiều tại khu vực miền Tây Nam bộ, nơi có các "đại gia thủy sản" trên địa bàn. Tại Hà Nội, sắp tới sẽ đưa vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của một đại gia chứng khoán ra xét xử. Theo đó, bằng thủ đoạn tinh vi, tội phạm ngân hàng lập hồ sơ khống vay tiền đầu tư chứng khoán, vay tiền của hai ngân hàng SHB và BIDV và tới khi bị phát hiện thì đã chiếm đoạt của 2 ngân hàng này hơn 47 tỷ đồng.

Vụ khách hàng bị mất 245 tỷ đồng tại Eximbank chi nhánh TP HCM là một ví dụ rất rõ ràng về việc rút tiền dễ dàng của khách hàng. Phó Giám đốc của Chi nhánh ngân hàng này chỉ cần làm mấy cái giấy ủy quyền giả mạo rồi ung dung rút nhẵn số tiền mà khách hàng gửi trong khi chủ nhân của nó vẫn yên tâm với sổ tiết kiệm trong tay. Đó sẽ là nỗi ám ảnh của nhiều khách hàng khi một ngày nào đó đến rút tiền được thông báo bằng những từ ngữ kỹ thuật đầy tính chuyên môn: "Tiền của quý khách không còn trong hệ thống"!

Những vụ "cướp" ngân hàng như thế này còn nguy hiểm và hệ lụy nghiêm trọng hơn rất nhiều những vụ cướp ngân hàng như phim hành động vừa xảy ra gần đây.   

Đọc thêm