Tổng Cục Quản lý đất đai: “Đã có đầy đủ hành lang pháp lý cho loại hình condotel”

(PLVN) - Tại Hội thảo “Pháp lý cho condotel” tổ chức tại TP HCM sáng qua (17/12), các chuyên gia cho rằng, vài năm gần đây, condotel phát triển “nóng” nhưng lại ẩn chứa rủi ro do tình trạng pháp lý nửa vời, thời gian sở hữu hạn chế, bên bán không có năng lực quản lý.
Đại diện Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT cùng các chuyên gia tham dự Hội thảo
Đại diện Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT cùng các chuyên gia tham dự Hội thảo

Tuy nhiên, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lại nhìn nhận, về mặt pháp luật, hiện đã có đầy đủ hành lang pháp lý cho loại hình condotel.

Theo ông Phấn, condotel tạm thời được hiểu là căn hộ khách sạn. Theo Luật Du lịch, đây là loại hình kinh doanh dịch vụ. Khi giao đất, khi làm thủ tục từ giao đất tới hình thành tài sản, condotel được xác định là đất sản xuất kinh doanh nên cấp phép xây dựng cho condotel là phải căn cứ quy hoạch và mục đích cho thuê đất.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay có một số địa phương còn vướng mắc về pháp lý (điển hình như Đà Nẵng, Bình Định) nên sáng tác ra khái niệm “mù mờ” là nhà ở nhưng không hình thành đơn vị ở. Từ đó, cấp giấy chứng nhận cho condotel là đất ở, lâu dài, không phù hợp với các quy định nêu trên khiến nhà đầu tư thứ cấp và xã hội hoang mang.

“Đất được giao sản xuất kinh doanh dịch vụ, toàn bộ thủ tục pháp lý đầu vào là như thế nhưng lại không tuân thủ. Quy định thời hạn đất kinh doanh 50 năm nhưng chủ đầu tư lại cứ đòi được cấp đất ở, lâu dài. Giữa chủ đầu tư và hệ thống hành lang pháp lý không gặp nhau ở chỗ đó. Đầu vào một đằng, đầu ra một nẻo thì không đúng quy định pháp luật”, ông Phấn nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng nêu vấn đề, không cần có luật mới nhưng cần bổ sung một số nội dung vẫn giải quyết được câu chuyện về condotel. Cụ thể, điều kiện huy động vốn đối với dự án bất động sản hình thành trong tương lai là phải có giấy tờ, có giấy phép xây dựng, phải xây dựng xong hệ thống hạ tầng. Vì vậy, cần có văn bản bổ sung khi bán các bất động sản hình thành trong tương lai nói chung, condotel nói riêng đều phải có bảo lãnh của ngân hàng. 

Quan trọng nhất là ở Việt Nam, chủ đầu tư bán condotel là không trái pháp luật. Luật Đầu tư cho phép doanh nghiệp được phép làm những gì luật không cấm như vậy, các căn hộ trong dự án thì được phép bán nhưng luật lại chưa bảo vệ được nhà đầu tư thứ cấp, cổ đông nhỏ lẻ trong dự án.

“Không cần đặt ra vấn đề giải cứu đối với condotel, bởi vì năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Việt Nam có nhiều tiềm năng. Phát triển du lịch càng tăng thì condotel sẽ phát triển tốt. Điều chúng ta phải làm bây giờ là giải quyết bài toán kinh doanh để tăng doanh thu, tăng lợi nhuận đối với chủ đầu tư và cả nhà đầu tư thứ cấp”, ông Châu khẳng định.

Nói về việc có nên chuyển condotel thành căn hộ, TS Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Trưởng khoa Kinh doanh và Quan hệ Quốc tế, Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng, không nên đặt vấn đề này tại thời điểm hiện tại vì có nhiều vấn đề nghiêm trọng về luật pháp. Tuy nhiên, theo TS Nghĩa, trong tương lai sản phẩm này sẽ được hình thành, độc đáo và đa sắc thái hơn. 

Liên quan đến vấn đề pháp lý của condotel, ông Lê Hoàng Châu nhận định, cho đến nay không có ngành nào, cơ quan nào cấp phép cho condotel mà chỉ cấp phép cho khu du lịch nghỉ dưỡng. Trong một khu du lịch nghỉ dưỡng có thể bao gồm đến 4 loại hình lưu trú gồm khách sạn (phòng chỉ ngủ và phòng có bếp), loại hình thứ hai là căn hộ du lịch nằm trong tòa nhà cao 2 tầng trở lên, thứ ba là biệt thự du lịch, thứ tư là nhà phố du lịch.

4 loại hình này thì trong đó có 3 loại là căn hộ, nhà phố và biệt thự là gọi chung condotel. Condotel là hình thức sở hữu chung theo phần. Vì vậy, cần có khung pháp lý quản lý riêng biệt cho phù hợp. Đây là một loại hình cơ sở lưu trú cần thiết để phát triển ngành Du lịch.

Thế nhưng theo ông Châu, vấn đề hiện nay là bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư thứ cấp như thế nào trước các rủi ro, đặc biệt là rủi ro pháp lý? Không chỉ vụ “vỡ trận” mới đây, từ năm 2009, Đà Nẵng, Khánh Hòa đã cấp sổ đỏ có thời hạn (đất ở không hình thành ổn định lâu dài); tháng 3/2019, Công ty Cổ phần Cienco 586 phản ánh khách hàng bị thu hồi sổ đỏ và cấp lại thì chỉ còn thời hạn 39 năm (trừ đi thời gian đã xây dựng)...

Do đó, HoREA đã kiến nghị, nếu cấp lại sổ đỏ có thời hạn thì phải cấp luôn cho người mua là 50 năm chứ không trừ đi vì sẽ thiệt thòi cho họ. Bởi trong Luật Đất đai, Nghị định 43 đều có nói công trình xây dựng các thành phần trong dự án có thể được cấp sổ đỏ cho từng thành phần.

“Chúng tôi đề nghị được cấp sổ đỏ cho từng căn hộ condotel cho chủ đầu tư dự án, sau đó nhà đầu tư thứ cấp mua được sang tên...”, ông Châu nói.

Đọc thêm