Triển khai nhiều công nghệ thanh toán không bằng tiền mặt

(PLO) - Các ngân hàng thương mại (NHTM) và các công ty công nghệ thông tin, viễn thông đang “bắt tay” nhau để nghiên cứu và đưa ra các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán giúp người dân nông thôn dễ dàng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM)…
Thanh toán với ViettelPay
Thanh toán với ViettelPay

90% chi tiêu hàng ngày sử dụng tiền mặt

Thông tin đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy TTKDTM khu vực nông thôn” do Báo Nông thôn ngày nay phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hôm qua (28/9), cho biết mặc dù có đến 40% số dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hàng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.

“Những số liệu này cho thấy, việc phát triển TTKDTM mặt hướng tới mục tiêu năm 2020, tiền mặt chỉ xuất hiện ở mức thấp hơn 10% trên tổng phương diện thanh toán là một  mục tiêu nhiều thách thức…”-  ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phát biểu.

Lấy ví dụ như trong lĩnh vực thuế, nộp thuế điện tử được triển khai từ năm 2014, với 95% doanh nghiệp (DN) đã đăng ký nộp thuế điện tử qua các NHTM, doanh thu thực tế từ nộp thuế điện tử tăng từ 55% lên 70%, nhưng nhiều DN vẫn có tâm lý thích nộp thuế trực tiếp hơn nộp qua tài khoản và tới sát hạn mới nộp... Tương tự, trong lĩnh vực thanh toán tiền điện, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến nay mới có trên 4,5 triệu khách hàng thanh toán qua ngân hàng và các tổ chức trung gian, chiếm 18,47% số khách hàng sử dụng điện trên cả nước. 

“Riêng đối với những vùng như nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đại bộ phận người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại. Các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, việc rút, sử dụng và trả nợ của người vay bằng tiền mặt còn rất lớn. Đối với các hợp tác xã, các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, chủ trang trại, tỉ trọng sử dụng tiền mặt còn lớn hơn. Thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức của dân chúng, cho nên việc triển khai TTKDTM gặp nhiều khó khăn…” - đại diện Hội Nông dân Việt Nam phân tích.

Ngoài nhận thức, thói quen về sử dụng tiền mặt trong lưu thông, nguyên nhân cơ bản khác khiến cho việc phát triển TTKDTM còn nhiều hạn chế tại Việt Nam nói chung và vùng nông nghiệp, nông thôn nói riêng chính là vấn đề liên quan đến hệ thống hạ tầng công nghệ.

Theo thống kê không chính thức, nếu không tính Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank), số lượng điểm giao dịch của các NHTM (chi nhánh hoặc phòng giao dịch) bình quân/đơn vị hành chính cấp huyện chỉ ở mức 2 -3 điểm giao dịch ở khu vực nông thôn (huyện, huyện đảo). Trong khi đó, con số này tại các quận/thành phố/thị xã xấp xỉ 40 điểm giao dịch, chênh lệch 16,7 lần. Số liệu này đặc biệt thấp tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc (0,7 điểm giao dịch/huyện) và khu vực duyên hải miền Trung (1,3 điểm giao dịch/huyện). 

Phải đơn giản và thuận tiện

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, để thúc đẩy TTKDTM ở khu vực nông thôn, NHNN đã xây dựng và triển khai Đề án thí điểm một số hình thức TTKDTM ở khu vực nông thôn, qua đó sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng, phù hợp với địa bàn nông thôn để mở rộng, thúc đẩy TTKDTM trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Đến nay, NHNN đã chấp thuận triển khai thí điểm 03 mô hình: Dịch vụ chuyển tiền nhanh của NHTM cổ phần Xăng dầu Petrolimex trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các chi nhánh, cửa hàng xăng dầu của Petrolimex tại các khu vực nông thôn; Dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ của NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các đại lý viễn thông của Công ty Cổ phần Di động Trực tuyến (M_Service) ở khu vực nông thôn; Dịch vụ chuyển tiền của NHTM cổ phần Quân đội trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới của Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo.

Tính đến cuối quý I/2018, các mô hình thí điểm trên đã xây dựng được trên 72.000 điểm cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trên toàn quốc, phục vụ cho khoảng 7 triệu lượt khách hàng bao gồm cả các khách hàng chưa có tài khoản tại ngân hàng.

Đại diện NHNN cũng cho biết, NHNN đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân và DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ, dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế. 

Về phía các NHTM, nhiều NHTM và công ty công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam đã nghiên cứu, hợp tác và đưa các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động, với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS…

Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) dẫn con số thống kê, Việt Nam có 64 triệu người sử dụng Internet, trong đó, 58 triệu người đang sử dụng Facebook và các loại hình mạng xã hội và đặt vấn đề: “Tại sao người dân sử dụng được Facebook, lại không sử dụng được công cụ thanh toán ở tất cả các khu vực?”.

Ông Lợi cho rằng, ở các khu vực, khi sử dụng dịch vụ thanh toán bằng thẻ, thanh toán qua Internet trên nền tảng công nghệ thông tin sẽ mang tới rất nhiều lợi cho người dân. Đại diện Cục Báo chí cũng bày tỏ tâm đắc khi mới đây Viettel đề xuất với NHNN xin áp dụng hệ thống thanh toán “ngân hàng số”(ViettelPay- PV).

“Đó là điều Việt Nam cần làm, hiện chúng ta là một trong 30 quốc gia có nền công nghiệp CNTT mạnh nhất thế giới, vì sao chúng ta không làm?” - đại diện Cục Báo chí gợi ý. 

Đọc thêm