'Tù mù' lãi suất gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ

(PLO) - Chưa kịp thở phào vì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng trước ngày 31/3/2016, thì nhiều khách hàng bất ngờ khi biết lãi suất giải ngân không phải là lãi suất ưu đãi của gói hỗ trợ, mà... theo thỏa thuận với ngân hàng.
Tiền ngân hàng cho vay vượt mốc 30.000 tỷ sẽ không có ưu đãi lãi suất
Tiền ngân hàng cho vay vượt mốc 30.000 tỷ sẽ không có ưu đãi lãi suất

Gỡ... tạm

Trong Thông cáo báo chí phát ra chiều 31/5 vừa qua, NHNN cho biết, mặc dù các Bộ (Tài chính, Xây dựng) chưa thống nhất về đối tượng và tổng số tiền đề nghị giải ngân tái cấp vốn vượt 30.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tuy nhiên trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Công văn số 2167/VPCP-KTTH ngày 31/3/2016, ngày 30/5/2016, NHNN đã có Công văn số 3954/NHNN-TD trình Thủ tướng về phương án gia hạn Chương trình theo các hướng như sau.

Thứ nhất, cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 đối với các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình tối đa đến ngày 31/12/2016. Tổng số tiền tái cấp vốn khoảng 32.738 tỷ đồng (bao gồm dự kiến số tiền tái cấp vốn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đến thời điểm 1/6/2016 và số tiền cam kết nhưng chưa giải ngân hết của khách hàng cá nhân);

Thứ hai, dừng giải ngân tái cấp vốn theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN đối với các khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội.

Cùng ngày, NHNN cũng có Công văn 3955/NHNN-TD chỉ đạo các ngân hàng tham gia Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP: Kể từ ngày 01/6/2016 tiếp tục giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng trước ngày 31/3/2016 từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại theo lãi suất thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký giữa khách hàng và ngân hàng theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN của NHNN.

NHNN cho biết, sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, thì sẽ có văn bản hướng dẫn về việc gia hạn tái cấp vốn gửi các ngân hàng thương mại để thực hiện.

Liên quan đến việc gia hạn giải ngân tái cấp vốn gói 30.000 tỷ, Bộ Tài chính có ý kiến trong trường hợp đến 1/6/2016 chưa giải ngân hết số tiền tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng, thì chỉ gia hạn giải ngân tái cấp vốn với các hợp đồng tín dụng đã ký của khách hàng cá nhân và thực hiện giải ngân hết số tiền tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng đã được phê duyệt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Công văn 2167/VPCP-KTTH.

Còn Bộ Xây dựng đề nghị gia hạn thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi đối với tất cả các khách hàng (cả hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp) đã được cam kết vay vốn cho đến khi giải ngân hết lượng vốn đã cam kết.

“Nước đôi”

Đánh giá động thái trên của NHNN, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Cty Luật Basico, cho rằng đáng lẽ NHNN phải có giải pháp từ trước đó 1 tháng chứ không phải sát nút mới “Nước đôi” như thế này để sau này dù Chính phủ đồng ý hay không đồng ý thì NHNN vẫn không sai.

Với những người đã trót ký hợp đồng vay gói 30.000 tỷ mà đến thời điểm 1/6/2016 vẫn chưa được giải ngân hết, thì khó có thể thở phào, bởi dù được tiếp tục giải ngân nhưng lãi suất vay lại là lãi suất thỏa thuận với ngân hàng.

Báo cáo của NHNN cho biết, tính đến 10/5/2016, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 34.826 tỷ đồng với 56.240 khách hàng đã giải ngân theo tiến độ dự án đạt 25.800 tỷ đồng, trong đó khách hàng cá nhân đã cam kết cho vay 27.447 tỷ đồng đối với 56.112 khách hàng, đã giải ngân là 20.812 tỷ đồng. Theo báo cáo nhanh của các ngân hàng, đến 20/5/2016 số tiền đã giải ngân là 26.733 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho khách hàng cá nhân là 21.667 tỷ đồng.

Trong Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 30/3/2016, Chính phủ đã giao NHNN tiếp tục triển khai Chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 với lãi suất ưu đãi cho đến khi giải ngân hết.

Chiểu theo chỉ đạo này, dự tính số tiền chưa giải ngân trong gói 30.000 tỷ đến 31/5/2016 vẫn được hưởng lãi suất ưu đãi còn khoảng 3.000 tỷ đồng. Theo Luật sư Đức, số tiền chưa giải ngân này, theo chỉ đạo của NHNN, trước mắt sẽ theo lãi suất thỏa thuận, nếu sau này Thủ tướng có chỉ đạo tiếp tục hưởng lãi suất ưu đãi thì mới được ưu đãi.

Tuy nhiên, tù mù nhất là với những hợp đồng vay nằm ngoài gói 30.000 tỷ. Trong Thông cáo báo chí phát ra ngày 23/3/2016, NHNN cho biết, tính đến 10/3/2016, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng, đã giải ngân theo tiến độ 21.321 tỷ đồng. Như vậy số tiền cam kết cho vay đến thời điểm 10/3/2016 đã vượt 122 tỷ đồng.

Nếu các ngân hàng chấp hành nghiêm túc việc dừng ký hợp đồng tín dụng mới kể từ ngày 31/3/2016 theo chỉ đạo hỏa tốc của NHNN hôm 28/3/2016, thì với số liệu NHNN vừa công bố (34.826 tỷ đồng cam kết cho vay đến 10/5/2016), rõ ràng số tiền vượt gói 30.000 tỷ đã lên tới gần 5.000 tỷ đồng so với số liệu tính đến ngày 10/3/2016 (30.122 tỷ đồng cam kết cho vay). Như vậy, chỉ trong 21 ngày trước khi dừng ký hợp đồng tín dụng mới, trung bình mỗi ngày các ngân hàng đã cam kết cho vay thêm 224 tỷ.

Theo Luật sư Đức, về nguyên tắc số tiền các ngân hàng cho vay vượt 30.000 tỷ đồng sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi. Luật sư cho rằng, lỗi này không thuộc người vay, mà do NHNN đã không kịp thời chỉ đạo dừng ngay khi gói hỗ trợ này cán mốc 30.000 tỷ. “Với số tiền vượt gần 5.000 tỷ đồng này rất khó để được hưởng lãi suất ưu đãi!”, Luật sư Đức bình luận.

Đọc thêm