Ví sao chậm giải ngân gói 30.000 tỷ đồng?

(PLO) - Chưa đầy 1 năm nữa, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ (gói 30.000 tỷ đồng) sẽ kết thúc. Nhưng sau 2 năm triển khai, gói ưu đãi này mới giải ngân đươc khoảng 1/4…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Mới nên… chậm
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII cho biết, đến 31/3/2015 có 15.598 khách hàng được ký hợp đồng tín dụng trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở với tổng số tiền cam kết cho vay từ các ngân hàng đạt hơn 12.111 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 40,37% tổng nguồn vốn dành cho chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, tăng 25,3% so với 31/12/2014. Giải ngân theo tiến độ đạt 6.884,8 tỷ đồng.
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cập nhật đến 30/4/2015 cho biết, tổng số tiền đã cam kết là 13.078 tỷ đồng, đã giải ngân là 7.155 tỷ đồng. Trong đó, cam kết cho vay 16.870 hộ với số tiền là 7.999 tỷ đồng, đã giải ngân cho 16.432 hộ với số tiền là 5.211 tỷ đồng; cam kết cho vay 38 dự án  với số tiền là 5.079 tỷ đồng, đã giải ngân cho 33 dự án, dư nợ là 1.944 tỷ đồng. 
Theo nhận định của Bộ này, tiến độ thực hiện gói tín dụng này chậm do 4 nguyên nhân. Thứ nhất, chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở là một chính sách mới, làm lần đầu vì vậy không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc ban đầu. Thứ hai, mặc dù các địa phương đã bước đầu chú ý thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ song hiện vẫn có rất ít nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m2 để bán cho người dân nên người dân chưa thể vay vốn. Thứ ba, đây là gói tín dụng có vay, có trả nên mặc dù lãi suất vay có thấp hơn lãi suất thương mại nhưng người dân cũng phải cân nhắc, tính toán khả năng trả nợ mới ký hợp đồng vay vốn. Thứ tư, phía ngân hàng khi cho vay cũng phải bảo đảm khả năng thu hồi nợ từ phía khách hàng là hộ gia đình, cá nhân...
Tự mâu thuẫn
Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch đặt vấn đề: “Mục tiêu của gói 30.000 tỷ đồng là  hỗ trợ người dân có thu nhập thấp có nhà. Nhưng chúng ta cố gắng cho mọi người dân có nhà ở chứ đừng bao giờ cố gắng để mọi người dân sở hữu nhà ở…”. 
Ông Lịch lưu ý, cần phải phân biệt hai khái niệm  này là hoàn toàn khác nhau. Theo ông, ngay cả những nước giàu có, không phải tất cả dân đều sở hữu nhà, với nước nghèo như Việt Nam, cần phát triển quỹ nhà ở xã hội cho đối tượng người có thu nhập thấp, công nhân thuê... 
“Những người thuộc đối tượng nghèo hoặc cận nghèo đô thị thì làm sao có tiền mà mua nhà, mua được nhà họ phải trả trong bao lâu…? Và kéo dài thời gian ra nữa thì trong điều kiện của Việt Nam, ngân hàng nào có thể cho vay nổi? Trong khi đó, quỹ phát triển nhà ở không hình thành. Rõ ràng ngay từ đầu, đối tượng chúng ta bàn đã không hiện thực…”, ông Lịch phân tích.
Ông Lịch đã đưa ra hình ảnh ví von để nói đến sự phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian qua, đó là cả một thời gian dài, các nhà đầu tư chỉ xây dựng căn hộ cao cấp, phát triển nhà ở Việt Nam giống như chiếc máy bay chỉ có ghế hạng thương gia mà thiếu hạng phổ thông. Thành ra hạng thương gia không ai ngồi, còn hạng phổ thông không ai đi.
Mặt khác, theo vị chuyên gia này, khi giao cho ngân hàng thương mại đứng ra cho vay thì bản thân ngân hàng cũng phải tính rủi ro. “Nói thu nhập phải trên 9 triệu thì trên 9 triệu không phải đối tượng, mà dưới 9 triệu thì tiền đâu trả cho ngân hàng mà mua nhà?. Chúng ta tự đặt ra mâu thuẫn thành ra phải xem lại đối tượng…”- TS Trần Du Lịch đề nghị. 
Theo ông, gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ một phân khúc thị trường, đó là những người không phải thu nhập thấp mà thu nhập trung bình chưa có nhà ở, tức là thu nhập hàng tháng có thể đủ thanh toán được cho ngân hàng, như thế mới kích được phân khúc thị trường này lên, nhà đầu tư bất động sản mới hướng tới xây dựng phân khúc này. Thực tế, nhiều nơi như TP.HCM, Bình Dương đang nở rộ triển khai phân khúc này và bán rất chạy.
“Chúng ta phải điều chỉnh lại theo hướng đó thì phân khúc này không bị đóng băng, thị trường được giải tỏa. Ví dụ, tại Hà Nội nếu căn hộ giá chỉ trên 1 tỷ đồng một chút, các tỉnh, TP  khác khoảng vài trăm triệu đồng thì không bao giờ đóng băng, có bao nhiêu bán hết. Tất nhiên không phải tất cả mọi người đều mua được nhà với giá này, nhưng trong 10-15 năm, thu nhập của họ có thể trang trải được…” - TS Lịch quả quyết. Theo ông, phải điều chỉnh đối tượng của gói 30.000 tỷ đồng, chứ còn với đối tượng quy định hiện nay, tự nó đã “nghẽn” rồi…
Đề nghị sửa Nghị quyết 02 để khơi thông gói 30.000 tỷ đồng
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị Chính phủ sớm ra Nghị quyết để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và hỗ trợ nhà ở cho những hộ khó khăn về nhà ở. 
Giải pháp cụ thể được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra là kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với thời hạn vay gói 30.000 tỷ đồng tối đa từ 10 năm lên 15 năm. Vấn đề này, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước rất ủng hộ. 
Một nội dung được kiến nghị sửa đổi là mở rộng đối tượng được vay vốn hỗ trợ từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Bộ trưởng cho rằng, cần bổ sung thêm đối tượng được vay là hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cho học sinh, sinh viên và các đối tượng khác thuộc diện được giải quyết nhà ở xã hội theo quy định của Nghị định 188.

Đọc thêm