Vì sao chung cư “không có đất sống” tại miền Tây?

(PLVN) - Nếu như tại các TP lớn, những sản phẩm chung cư khá sôi động thì tại thị trường Cần Thơ hoàn toàn ngược lại. Nguyên nhân do nhà đầu tư không dám “liều mình” đầu tư vào sản phẩm này khi quỹ đất còn lớn. Cùng với đó, người miền Tây chuộng nhà ở riêng lẻ, có tâm lý chung “ngôi nhà gắn liền sân vườn”.
Một góc khu đô thị Nam Cần Thơ
Một góc khu đô thị Nam Cần Thơ

Bất động sản (BĐS) tại thị trường TP Cần Thơ đang bước vào thời kỳ ảm đạm trong dịp cuối năm 2019 và chưa có dấu hiệu dừng lại cho đến nửa đầu 2020.  

Chững lại hầu hết mọi phân khúc sản phẩm

Theo các chuyên gia lĩnh vực BĐS, trong 2019, thị trường BĐS có dấu hiệu chững lại dù sức mua vẫn khá tốt, trong khi hoạt động đầu tư, “lướt sóng” giảm đi rõ nét. 

Vài năm trở lại đây, thay vì chọn nơi đầu tư tại các TP lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM… thì dòng vốn đầu tư BĐS có xu hướng dịch chuyển sang vùng ven và những địa phương chưa được khai thác nhiều.

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thị trường các tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… hình thành nhiều dự án BĐS quy mô lớn nhỏ, từ đất nền, khu phức hợp cho đến nhà phố, trong đó Cần Thơ là đô thị hạt nhân của vùng.

Theo thống kê, hiện toàn TP Cần Thơ có 75 dự án, gồm khu dân cư, khu tái định cư và khu đô thị mới. Trong đó, 50 dự án đang triển khai và 25 dự án đang hoàn thành thủ tục pháp lý. Ghi nhận trong quý I, II năm 2019, sức tiêu thụ sản phẩm tốt với độ thanh khoản cao 80 – 90%.

Khảo sát tại các khu vực như Dự án Stella Mega City (quận Bình Thủy) có giá dao động 19 – 26 triệu/m2; khu Đô thị Nam Cần Thơ (quận Cái Răng), khu dân cư An Khánh (quận Ninh Kiều) giá đất dao động 20 – 40 triệu đồng/m2 (giá trị tăng từ 20 – 30%/năm).

Tuy nhiên, từ nửa cuối 2019 thị trường này có dấu hiện chững lại, ảm đạm hầu hết các phân khúc sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Trọng (một người đầu tư đất nền tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) than vãn: “Những tháng đầu năm giá đất tăng đột biến, dự định đến cuối năm tăng giá bán ra là “hốt bạc”, đâu ngờ tôi rao bán mấy tháng nay không ai thèm hỏi mua”.

Lý giải về hiện tượng này, ông Dương Quốc Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ phân tích, sau sự cố lừa đảo như vụ Công ty Alibaba khiến khách hàng có tâm lý e ngại, thận trọng hơn khi đầu tư, chọn giải pháp “án binh bất động” chờ diễn biến mới.

Dù vậy, ông Thủy đánh giá, đây cũng là yếu tố tích cực bởi chính quyền siết chặt công tác quản lý về đất đai, vì vậy các sản phẩm mới khi được tung ra thị trường có tính pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn so với trước đây.

Tuy ít người giao dịch nhưng giá trị BĐS tại thị trường Cần Thơ vẫn không giảm
Tuy ít người giao dịch nhưng giá trị BĐS tại thị trường Cần Thơ vẫn không giảm
Chung cư “không có đất sống”

Theo các chuyên gia, các dòng sản phẩm hiện nay chủ yếu trên 2 tỷ đồng/lô nền, tầm giá còn khá cao, chưa phù hợp với khả năng tài chính của giới đầu tư và nhu cầu ở thực. Bên cạnh đó, các sản phẩm có phần kém sức hấp dẫn khi chưa đa dạng, ít có sản phẩm mới được chào bán; nên nhà đầu tư không mấy mặn mà. Còn người có nhu cầu ở thực thì khó tiếp cận do qua nhiều khâu trung gian khiến mức giá cao ngất ngưởng.

Nếu như tại các TP lớn, những sản phẩm chung cư khá sôi động thì tại thị trường Cần Thơ hoàn toàn ngược lại. Nguyên nhân do nhà đầu tư không dám “liều mình” đầu tư vào sản phẩm này khi quỹ đất còn lớn.

Cùng với đó, người miền Tây chuộng nhà ở riêng lẻ, có tâm lý chung “ngôi nhà gắn liền sân vườn”. Chính vì vậy, để phát triển chung cư ở thị trường miền Tây nói chung và TP Cần Thơ nói riêng vẫn còn là một “câu chuyện dài”.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ dự đoán, cuối 2019 cho đến nửa đầu 2020, tại thị trường Cần Thơ sẽ có ít sản phẩm mới được tung ra thị trường. Đồng thời bên cạnh sản phẩm đất nền, trong tương lai sẽ xuất hiện nhà phố liền kề được chào bán.

Nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội góp phần giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp cũng được người dân quan tâm. Tuy nhiên, đây vẫn còn là “bài toán” khó với các ngành chức năng. 

Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho biết, hiện TP đã triển khai 5 dự án nhà ở xã hội với hơn 1.700 căn hộ. Trong khi đó, theo khảo sát của Sở Xây dựng về nhu cầu nhà ở của đối tượng này đến năm 2020 là hơn 40.000 người.

Theo ông Toàn, với người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; cần có cơ chế hỗ trợ mua trả góp, trả chậm. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư để phát triển nhà ở cho người dân.

Đọc thêm