Xây dựng thành phố thông minh: Còn nhiều việc cần phải làm

(PLO) - Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến Hà Nội sẽ dành 3.000 tỷ đồng để xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời, thành phố sẽ kết nối ứng dụng một cửa điện tử với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Hà Nội dự kiến chi 3.000 tỷ đồng xây dựng thành phố thông minh. Ảnh minh họa
Hà Nội dự kiến chi 3.000 tỷ đồng xây dựng thành phố thông minh. Ảnh minh họa

Kỳ họp thứ V, HĐND thành phố Hà Nội đã xem xét Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.

Đã hoàn thành các thành phần cơ bản 

Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, đến nay, nền tảng của chính quyền điện tử thành phố từng bước được củng cố, hoàn thiện giúp cho bộ máy chính quyền thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Hà Nội cũng đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân thủ đô và đưa vào khai thác hiệu quả từ năm 2016.

Năm 2017, thành phố đã hoàn thành việc xác định các yêu cầu và tích cực chuẩn bị triển khai các thành phần quan trọng xây dựng thành phố thông minh như: Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của thành phố; hệ thống giao thông thông minh; hệ thống du lịch thông minh...

Hiện nay, Hà Nội đã thí điểm thành công ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (Iparking) trên 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm); tiếp tục chỉ đạo triển khai mở rộng ứng dụng I-parking tại 4 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa) và 89 điểm trông giữ phương tiện phục vụ không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Hà Nội cũng đã hoàn thành triển khai “Hệ thống thông tin giao thông tích hợp, xây dựng bản đồ giao thông Hà Nội” để cung cấp thông tin về tình trạng giao thông và vận tải hành khách công cộng theo thời gian thực phục vụ công tác quản lý, điều hành, điều tiết giao thông của các cơ quan quản lý nhà nước, cho người dân và du khách.

Phục vụ cho thành phố thông minh, Hà Nội cũng sẽ hoàn thành Cổng thông tin du lịch Hà Nội nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin thiết yếu cho du khách đến thăm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giải đáp, hướng dẫn công dân, doanh nghiệp về Dịch vụ hành chính công của thành phố.

Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, Hà Nội đặt ra mục tiêu cụ thể là 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. UBND thành phố cũng nêu rõ trong thời gian tới, Hà Nội sẽ hình thành các thành phần cơ bản của thành phố thông minh, tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (Bigdata), ứng dụng trí tuệ nhân tạo, IoT (intertnet kết nối vạn vật), phân tích và xử lý dữ liệu hỗ trợ lãnh đạo các cấp ra quyết định kịp thời, chính xác... 

“Chúng ta không thể đi ngược dòng”

Xây dựng “thành phố thông minh” là nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Có thể nói đây là cơ sở để cụ thể hóa những ý tưởng, hình thành các thành phần cơ bản của thành phố thông minh, tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý ở một số lĩnh vực như: giao thông, du lịch, an ninh trât tự, môi trường... Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và lợi ích tốt hơn cho người dân.

Nhiều ý kiến đại biểu tại kỳ họp thứ V HĐND thành phố vừa rồi cho rằng, thành phố thông minh là xu hướng không thể đi ngược dòng và cho rằng con số 3.000 tỷ cho mục tiêu quan trọng này là không nhiều với các hiệu quả mang lại. Tuy nhiên, vấn đề  được các đại biểu quan tâm là việc thu hút nguồn nhân lực giỏi, người tài, kể cả người nước ngoài.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Lan Tú cho biết, khung kiến trúc thành phố thông minh đang được Chính phủ giao các bộ ngành xây dựng và mỗi đô thị sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Theo bà Tú, lộ trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội sẽ có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2016-2020: Hình thành cơ bản các thành phần như nền tảng cơ sở hạ tầng; xây dựng hệ thống thông minh: giao thông, du lịch, giám sát môi trường, bảo đảm an ninh trật tự. Giai đoạn 2 từ 2020-2025, coi người dân là trung tâm, người dân sẽ tham gia quản lý, hình thành kinh tế số cơ bản. Giai đoạn 3 là đến 2030, Hà Nội sẽ là thành phố thông minh phát triển cao.

Về nguồn vốn, Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú khẳng định, việc thuê dịch vụ thông tin đang được Chính phủ khuyến khích và nhờ thuê dịch vụ, Hà Nội đã giảm dự toán từ 6.000 tỷ xuống 3.000 tỷ đồng. Việc thuê dịch vụ sẽ giúp triển khai nhanh, rõ lợi ích, không phải đầu tư ban đầu nhiều. Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội đã có những cơ chế, chính sách cụ thể, lâu dài…Và Hà Nội sẽ đầu tư 80% nguồn vốn, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư.

Trong nội dung thẩm tra, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đồng tình việc cần thiết điều chỉnh nội dung Chương trình để bảo đảm phù hợp với các định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, thành phố về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước từ nay đến năm 2020. Đồng thời, sớm hoàn thành nền tảng của Chính phủ điện tử giúp bộ máy chính quyền thành phố hiện đại, hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn, cải thiện mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng các dịch vụ được chính quyền cung cấp, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Hình thành các thành phần cơ bản của thành phố thông minh, tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý trong một số lĩnh vực như: giao thông, du lịch, an ninh trât tự, môi trường.

Nhiều vấn đề đặt ra

Hiện nay, thành phố thông minh không còn là một khái niệm xa lạ với nhiều người Hà Nội. Và, như đã đề cập, bước đầu Hà Nội đã định hình những nền tảng cơ bản cho thành phố thông minh. Cùng với đó, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường... cũng được đẩy mạnh; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đang tiếp tục mở rộng, đã giúp người dân một phương thức tiếp cận mới. Hà Nội cũng đang tiến gần đến đích việc số hóa 3 cơ sở dữ liệu dân cư, đất đai, cán bộ, công chức. Từ những nền tảng này sẽ tạo đà cho TP trên bước đường xây dựng Chính phủ điện tử và thành phố thông minh.

Tại kỳ họp thứ V HĐND thành phố vừa qua, khi bàn về vấn đề này, các đại biểu cũng khẳng định, “hiện đã có 178 thành phố trên thế giới tham gia xây dựng thành phố thông minh, nên chúng ta cũng không thể đi ngược dòng”. Tuy nhiên, thực tế để thực hiện những công việc này không phải dễ dàng. Dù khung kiến trúc thành phố thông minh đang được Chính phủ giao cho Bộ TT&TT xây dựng, nhưng hiện vẫn thiếu tiêu chuẩn về thành phố thông minh. Việc xây dựng và hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu quốc gia theo nguyên tắc mở; xây dựng và đào tạo nguồn lực công nghệ thông tin... cũng là vấn đề đặt ra. 

Có ý kiến cho rằng, nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh cần hướng tới sự đồng bộ trong triển khai các nội dung, mục tiêu cụ thể để có thể thu hút người dân tham gia vào quản lý xã hội và thành phố thông minh phải thực sự đáp ứng được những yêu cầu của xã hội, giúp nâng cao chất lượng sống.

Với những ích lợi mang lại cho cộng đồng như vậy, Hà Nội cũng thể hiện quyết tâm hiện thực hóa nhiệm vụ này, đúng như khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Hà Nội luôn xác định xây dựng Chính phủ điện tử và thành phố thông minh là nhiệm vụ quan trọng. Xây dựng và phát triển kinh tế số là con đường bắt buộc của các đô thị lớn trên thế giới, trong đó có Hà Nội. Qua đó giảm chi phí trong quản lý của bộ máy chính quyền, đặc biệt giảm chi phí của doanh nghiệp, là công cụ chính để thực hiện cải cách hành chính. Và xây dựng nền kinh tế số cũng là nền tảng cốt yếu để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo trong tương lai. 

Đọc thêm