36 năm phục hưng và phát triển di sản văn hóa Cố đô Huế

(PLO) - So với các cố đô khác của Việt Nam, Huế là nơi duy nhất còn bảo lưu khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm… Trải qua những biến cố của lịch sử,  Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phục hưng và phát triển những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường gắn liền với khu di sản.
36 năm phục hưng và phát triển di sản văn hóa Cố đô Huế

Khôi phục quần thể di tích Cố đô Huế sau chiến tranh

Cố đô Huế là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, là điển hình của loài hình kiến trúc cảnh vật hóa – một loại hình kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc và giàu tính nhân văn. Các cuộc chiến tranh đã phá hủy nhiều công trình như: Điện Cần Chánh, hàng loạt Cung điện trong Tử Cấm Thành…thêm vào đó là những biến cố của thiên tai cũng đã tấn công và hủy diệt rất nhiều điểm di tích.

Trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước sau chiến tranh, việc bảo tồn di sản văn hóa Huế gặp nhiều khó khăn. Năm 1981, trong lời kêu gọi “Cứu vãn di sản văn hóa Huế” tại Hà Nội cùng với sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã chung tay giúp đỡ để cứu nguy khẩn cấp cho di sản văn hóa Huế.

Năm 1991, hầu hết các di tích quan trọng đã được lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ. Ngày 30/5/1992, UBND tỉnh TT- Huế ra quyết định đổi tên Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Là đơn vị trực tiếp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa cung đình gắn liền với triều Nguyễn, bao gồm các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường gắn liền với khu di sản.

Đón Nhật hoàng Akihito, Hoàng hậu Michiko thăm Hoàng cung Huế
Đón Nhật hoàng Akihito, Hoàng hậu Michiko thăm Hoàng cung Huế 

Năm 1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết qủa to lớn. Đến nay, Huế đã có 05 Di sản văn hóa triều Nguyễn được UNESSCO công nhận bao gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới (năm 1993); Nhã nhạc, Âm nhạc Cung đình Việt Nam – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2003); Mộc bản triều Nguyễn –Di sản tư liệu thế giới (năm 2009); Châu bản triều Nguyễn –Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á –Thái Bình Dương (năm 2014) và Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế -Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á –Thái Bình Dương (năm 2016).

Tôn tạo cảnh quan môi trường khu di sản để thu hút du khách

Công tác bảo tồn và trùng tu di tích là hoạt động cơ bản nhất của công tác bảo tồn Di sản Huế trong những năm qua. Hầu hết các di tích đã được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế mà Chính phủ đã công nhận, được các nhà khoa học trong nước cũng như quốc tế đánh giá cao.

Công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã đem lại những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế và xã hội, góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang diện mạo đô thị và khu dân cư, thu hút du khách đến Huế, làm tăng các nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ.

Theo số liệu từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, doanh thu trực tiếp từ phí tham quan trong 10 năm (từ năm 1996 đến năm 2016) đã đạt hơn 1.536 tỷ đồng, doanh thu từ các hoạt động dịch vụ đạt hơn 100 tỷ đồng. Hiện nay, tốc độ doanh thu đang tăng nhanh, ổn định và dự kiến trong giai đoạn 2017 -2026, tổng doanh thu từ vé tham quan dự kiến sẽ đạt khoảng 3.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, để thu hút du khách tới tham quan các điểm di tích, trong những năm qua, phần lớn các di tích chính đã được đầu tư tu bổ và tôn tạo hệ thống sân vườn, cảnh quan và trồng cây bổ sung ở các khu vực đệm. Nổi bật như việc trồng lại vành đai xanh lăng vua Minh Mạng, tôn tạo phục hồi cảnh quan vườn Cơ Hạ, xây dựng vườn ươm tại Văn Thánh…Bên cạnh đó, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và các trục đường trong Kinh Thành cũng được chú trọng tôn tạo.

Vinh dự đón Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước

Nhiều năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục thu ngân sách vượt mức chỉ tiêu đề ra, với nhiều dự án bảo tồn tu bổ di tích quan trọng đảm bảo tiến độ và chất lượng, hoạt động dịch vụ du lịch có những đột phá mới. Đặc biệt, đầu năm 2017, đón Nhật hoàng Akihito, Hoàng hậu Michiko thăm Hoàng cung Huế và xem biểu diễn Nhã nhạc.

Ngoài ra các chương trình thu hút một lượng lớn du khách như: Chương trình “Đại Nội về đêm” với năm đầu tiên ra mắt đã thu hút hơn 80 ngàn lượt khách, đạt doanh thu hơn 3,1 tỷ đồng; Chương trình “Văn hiến kinh kỳ” – một chương trình “đinh” của kỳ Festival Huế lần thứ X sẽ phát triển thành show diễn thường xuyên cho du khách. Tích cực hỗ trợ cho vẻ đẹp tinh thần của kiến trúc cung đình Huế, các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể cũng thường xuyên được củng cố và nâng cao về nghiệp vụ chuyên môn biểu diễn.

36 năm phục dựng và phát triển di sản, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế luôn đứng đầu về doanh thu bán vé tham quan các di tích

36 năm phục dựng và phát triển di sản, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế luôn đứng đầu về doanh thu bán vé tham quan các di tích


TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế cho biết, lượng khách thăm khu di sản Huế tăng trưởng trong 5 năm liên tục từ 2011-2016 đạt mức bình quân từ 15-17%, riêng năm 2017, mức tăng trưởng đạt trên 20%. Hiện nay, nếu xét về việc thu ròng vé tham quan di tích, thì Quần thể Di tích Cố đô Huế đang đứng đầu về doanh thu. 

Năm 2017, trong điều kiện tình hình kinh tế khó khăn chung, Trung tâm BTDTCĐ Huế vẫn đón và phục vụ được hơn 3 triệu lượt khách đến tham quan tại khu di sản Huế, thực hiện đạt 122% doanh thu. Đặc biệt, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng

Ông Nguyễn Dung – Phó chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của Trung tâm BTDTCĐ Huế trong năm qua, chúc mừng những kết quả mà đơn vị đã đạt được. Năm 2018, đề nghị Trung tâm BTDTCĐ Huế tiếp tục khắc phục mọi khó khăn để thực hiện thành công các nhiệm vụ công tác, sớm khởi công phục hồi điện Kiến Trung, hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu trùng tu điện Cần Chánh và hỗ trợ tích cực ngành du lịch tạo ra những sản phẩm dịch vụ hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách.

Đọc thêm