7 tháng đầu năm, tỉnh Nam Định đã tiếp gần 2.000 lượt người đến khiếu nại tố cáo

(PLVN) - Trong 7 tháng đầu năm 2020, các ngành, các địa phương tỉnh Nam Định đã tiếp 1.954 lượt người đến khiếu nại tố cáo (KNTC). Qua rà soát, xử lý hồ sơ tài liệu, trong tổng số 39 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh đã hoàn tất giải quyết 24 vụ, đạt 61,54%; việc giải quyết bảo đảm áp dụng đúng các quy định pháp luật.
Trụ sở tiếp công dân tỉnh Nam Định
Trụ sở tiếp công dân tỉnh Nam Định

7 tháng đầu năm, các ngành, các địa phương đã tiếp 1.954 lượt người đến KNTC, giúp giải quyết các vụ việc đúng pháp luật, phù hợp với thực tế, hạn chế KNTC vượt cấp. Quá trình giải quyết bảo đảm đúng trình tự, thủ tục quy định, hồ sơ, tài liệu đầy đủ, chặt chẽ.

Theo đó, qua rà soát, xử lý hồ sơ tài liệu đã xác định được trong tổng số 1.529 đơn thư, đa số là đơn thư có trùng nội dung, đơn cùng một nội dung được photo gửi nhiều cơ quan, tổ chức, gửi nhiều lần, nhiều đơn không đủ điều kiện xử lý theo quy định (đơn không có chữ ký trực tiếp, đơn mạo danh, nặc danh, không ghi rõ họ tên, địa chỉ người viết đơn...). Qua rà soát, xử lý hồ sơ tài liệu, các cấp, các ngành đã tập trung xác minh, kết luận, giải quyết tổng số có 39 vụ việc KNTC.

Phần lớn nội dung KNTC liên quan đến công tác quản lý sử dụng đất đai như: việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tranh chấp đất đai; việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất giải phóng mặt bằng; tồn tại trong dồn điền, đổi thửa... Trong đó, phát sinh mới một số vụ việc công dân tố cáo người giải quyết KNTC bao che cấp dưới hoặc đối tượng bị KNTC; đùn đẩy, né tránh không giải quyết.

Mặc dù đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt giải quyết nhưng số vụ việc KNTC vẫn tồn đọng. Trong số đó có các vụ việc đã được các cấp, các ngành của tỉnh giải quyết theo thẩm quyền nhưng người dân vẫn tiếp tục KNTC đến cơ quan Trung ương nên khi tiếp nhận đơn, các cơ quan này lại chuyển về yêu cầu địa phương giải quyết. Trước thực trạng này, tỉnh đã yêu cầu các ngành, các địa phương chủ động rà soát để khắc phục các bất cập này trong công tác giải quyết KNTC.

Bên cạnh đó, nhận thức, hiểu biết pháp luật, kỹ năng của một số cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế so với yêu cầu; tiếp nhận, xử lý, giải quyết một số công việc thiếu chính xác; cá biệt vẫn còn có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu hoặc có những việc làm không đúng pháp luật. Tồn tại này làm phát sinh một số trường hợp chuyển từ việc khiếu nại, kiến nghị, đề nghị sang tố cáo cán bộ, công chức vi phạm trong quá trình thực hiện công vụ, giải quyết vụ việc, dẫn đến việc xử lý tiếp theo phát sinh thêm nhiều khó khăn, phức tạp.

Một số vụ việc chưa được xem xét giải quyết thấu tình, đạt lý tại cơ sở. Một số nơi, cán bộ giải quyết KNTC chưa thực sự lắng nghe, hướng dẫn, giải thích thấu đáo để người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách pháp luật khiến người dân tiếp tục KNTC lên cấp trên. Một nguyên nhân khách quan là chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực chưa đồng bộ, hoàn thiện; nhiều quy định còn bất cập, không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC tồn đọng, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, trong đó thủ trưởng các địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cấp ủy cùng cấp và thủ trưởng cấp trên nếu không nắm chắc tình hình, không kịp thời báo cáo, tham mưu biện pháp xử lý, dẫn đến xảy ra “điểm nóng” về khiếu kiện phức tạp, đông người, vượt cấp.

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, nhất là các cán bộ, công chức mới được luân chuyển, bổ nhiệm sau Đại hội Đảng bộ các cấp. Tăng cường tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết; đảm bảo trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết theo quy định; kết luận, quyết định giải quyết phải đảm bảo khách quan, công khai, đúng quy định.

Những vụ việc khó khăn, phức tạp cần phải trao đổi, thống nhất ý kiến với cơ quan Thanh tra và cơ quan chuyên môn cấp trên trước khi giải quyết nhằm đảm bảo tính chính xác, tăng cường phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể xã hội chủ động thông tin về tình hình, kết quả giải quyết KNTC cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan được biết để nhân dân đồng thuận và chấp hành.

Thường xuyên thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và chấp hành đúng, đầy đủ các quy định pháp luật, nhất là những quy định về quyền và nghĩa vụ trong các quan hệ pháp luật về KNTC, từ đó hạn chế, phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Đọc thêm