Ấm áp và thiêng thiêng những cái Tết làng chài

(PLVN) - Tết ở miền biển mang một nét rất riêng, rất khác so với những vùng miền khác. Đó là cái Tết của những con người lao động gắn với biển khơi, những người coi biển vừa là cứu tinh, vừa là người mẹ lớn. Cái Tết của những người mà sự đoàn viên đáng quý vô cùng.
Lễ cúng thánh Phê rô, Thánh bảo trợ người dân biển có đạo.
Lễ cúng thánh Phê rô, Thánh bảo trợ người dân biển có đạo.

Những ngày thảnh thơi, những ngày đoàn viên

Với chị Lê Thị Hoa, 32 tuổi, ngụ tại làng chài Triều Cường, thị xã Lagi (Bình Thuận), thì ngày Tết, ngoài để nghỉ ngơi, sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, còn có một ý nghĩa khác. Đó là dịp đoàn viên ấm áp nhất trong năm. Chị Hoa và chồng, anh Nguyễn Văn Tuấn quê gốc Thanh Hóa, dắt díu nhau vào thị xã ven biển bình yên miền Nam Trung Bộ này từ 10 năm về trước, hồi họ mới cưới nhau và muốn vào Nam để thay đổi cuộc sống khó nghèo của cha ông. Vào đến nơi, một người đồng hương, cũng là chủ thuyền nhận anh Tuấn vào đội đi biển của ông. Ông còn cho họ mượn một rẻo đất nhỏ cạnh rặng dương sát biển để dựng nhà. Anh Tuấn đi mua vật liệu giá rẻ, nhặt nhạnh các thứ cũ vứt đi để dựng lên một mái nhà từ cây, mái tôn, vách bằng phông bạt. Từ căn nhà ấy, hai đứa con của họ lần lượt ra đời. Anh Tuấn đi biển biền biệt, có khi một tháng, có khi nhiều tháng mới về một lần. Chị Hoa ở nhà theo chị em bạn chài đi làm nghề vá lưới. Nghề vá lưới không chỉ giúp chị có công ăn việc làm, mưu sinh hàng ngày mà chị được trò chuyện vui vẻ với các chị em, cũng là những người vợ ngư dân. Những ngày lưới vào, có chút cá, hải sản nhỏ mắc vào lưới, các chị còn được chia nhau mang về, thế là đỡ được bữa chợ. 

 Anh Tuấn đi biển, có đợt biển giã được mùa, mang về vài chục triệu. Khi ấy, những ngày anh về là gia đình như có hội. Những bữa ăn được cải thiện, những tấm áo mới mua cho cả mẹ lẫn con. Những đứa trẻ cũng trở nên tíu tít. Nếu mùa biển vắng, đi hàng tháng trời về tiền không đủ cho cả nhà sinh sống bao lâu. Thế là họ vay nợ, chờ vào mùa biển thắng lần sau sẽ trả. 

Với những gia đình dân chài như anh Tuấn chị Tâm, thì đợt đi biển trước Tết là cực kì quan trọng. Nó quyết định họ sẽ có cái Tết ngon lành, ấm no hay không. Lo nhất là cận Tết mà còn gặp mùa gió chướng. Đi biển khi ấy vừa nguy hiểm, vừa không đánh bắt được gì nhiều.

  Nhưng, dù có được mùa hay không, thì đến tầm 28, 29 là các thuyền đã lục tục trở về. Lúc này là anh em ngư dân dù đi cho chủ tàu nào, cũng là “bạn đi biển”, xúm nhau cùng tổ chức buổi cúng tàu. Lễ cúng tàu là lễ mà ngư dân cùng nhau dọn dẹp sạch sẽ tàu thuyền, sơn lại tàu cũ, rồi sửa soạn mâm cúng tươm tất cúng các vị khuất mặt khuất mày. Sau đó, họ cùng nhau nhậu lúy túy, rồi ai về nhà nấy, vợ con, cha mẹ đang chờ đón, để chuẩn bị cho cái Tết ấm áp gia đình.

 Tết ở làng biển vui lắm, cũng có chậu cúc, chậu tắc trước nhà. Nhà nào có tiền còn có cành mai, chậu lan nữa. Bình thường, những người đàn ông lên thuyền đánh cá hết, cả làng chài cũng chỉ quanh quẩn phụ nữ với trẻ con. Nhưng Tết là thời điểm những thôn xóm ven biển đông đúc cánh đàn ông nhất. Không chỉ có phụ nữ ăn mặc đẹp hơn, tươm tất hơn, những đứa trẻ khoe áo mới, mà cánh đàn ông cũng như “lột xác”. Bình thường, họ là những gã trai phong trần nắng gió, trên biển đôi khi đánh quần cộc, mình trần, chân không hoặc mang đôi dép lê. Nhưng ngày Tết, chí ít cũng là chiếc áo mới, chiếc quần dài, dưới chân đôi săng - đan. Nhìn họ cũng tươm tất và sáng sủa như bao người. Ở những vùng biển, gần Tết đi chợ sẽ thấy những người vợ dân chài ra chợ mua quần áo mới cho chồng tấp nập. Và trên mắt họ lấp lánh những niềm vui.

Nhưng Tết ở làng chài không chỉ có đoàn viên. Vẫn có những chiếc thuyền chọn giong ra biển, đánh cá trong ngày Tết. Vẫn có những người đàn ông chấp nhận cái Tết xa vợ con, lênh đênh trên biển. Bởi chủ thuyền khởi hành dựa vào thời tiết, vào gió, vào coi ngày tháng xuất hành. Còn thuyền viên thì không muốn bỏ lỡ số tiền có thể mang về cho gia đình, khi mà ngày Tết không nhiều thuyền đánh cá, số lượng cá thu hoạch sẽ có thể cao hơn. Với những gia đình ngư dân ấy, cái Tết sẽ đến sau chuyến đi biển.

Lễ hội Cầu ngư.
Lễ  hội Cầu ngư.

Niềm tin của dân chài

Sống nhờ nghề biển, người ngư dân đặt niềm tin lớn lao ở các đấng trên cao. Với người công giáo, đó là Đức mẹ Maria. Với ngư dân theo đạo Phật, tượng mẹ Quan Âm Nam phù hộ cho đàn con lênh đênh thường được đặt ở các ngôi chùa ven biển.

Ở thị xã Lagi, Bình Thuận, cạnh bãi đánh bắt lớn nhất có cả nhà thờ và một ngôi chùa nhỏ. Cả tượng Đức Mẹ và Quan Âm Nam Hải đều rất lớn, rất đẹp, mặt hướng ra biển, ngày đêm dõi theo ngư dân và phù hộ cho họ. Những ngày Tết, các ngôi chùa hay nhà thờ miền biển đông lắm. Trước Tết, gia đình ngư dân kéo đến làm công quả, thi nhau dọn dẹp, quét tước sân nhà thờ, sân chùa. Đi biển nếu được mùa, họ cũng dùng một phần tiền để cúng hay mua các loại hoa đặt trong khuôn viên chùa hay nhà thờ. Ngày đầu năm mới, thông thường các gia đình ngư dân cũng chọn nơi xuất hành đầu tiên là chùa hay nhà thờ, nơi họ có thể thắp nhang, thành khẩn vái lạy, với những lời cầu nguyện cho một năm bình an, may mắn, cá tôm đầy thuyền. Với người công giáo, lời cầu nguyện năm mới cũng hướng tới thánh Phê rô, vị thánh bảo trợ cho ngư dân. 

Ngư dân còn đặt niềm tin ở những bậc trên cao khác, tùy vào đặc trưng từng vùng biển, đó có thể là nhưng vị thần, thậm chí là một loài cá linh thiêng, như cá Ông, cá Bà.

Ngày Tết, nhiều làng chài ven biển vùng Trung bộ, từ mạn Quảng Bình đổ vào thường có lễ hội Cầu ngư. Lễ hội hướng đến cầu nguyện ông Nam Hải, thực chất là cá voi, loài cá có thân hình to lớn, nhưng bản tính hiền hoà, thường cứu giúp những ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển. Ngư dân bày tỏ lòng kính trọng đối với cá voi bằng cách gọi “Đức Ông”, “Cá Ông” hay “Ông Nam Hải”. Khi “Cá Ông” chết, trôi dạt vào bờ thuộc địa phận của làng biển nào, thì làng biển ấy phải tổ chức lễ tang long trọng và lập Lăng thờ phụng và cúng tế rất trang nghiêm.

Nhiều đời vua nhà Nguyễn đã ban sắc phong tặng cá voi là “Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn Thần”. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, các triều đại vua khác nhau đã ban sắc phong cho thần Nam Hải, chính thức công nhận tục thờ cúng Cá Ông tại các làng quê dọc ven biển miền Trung. Lăng Ông luôn được làng chài thờ cúng quanh năm và đặc biệt vào mùa xuân hay mùa thu hằng năm, lễ hội cúng Cá Ông theo nghi lễ truyền thống, rất trang trọng.

Dọc biển từ Bắc Trung bộ cho đến Nam bộ, có thể chứng kiến rất nhiều đền cá Ông uy nghiêm, hoành tráng. Như đền cá Ông thuộc xóm Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc, nằm ngay cửa sông Vạn Lạch. Tại đền có hàng chục bộ xương cá voi lớn nhỏ, trong đó có bộ xương được lưu giữ cả trăm năm. Ở Vũng Tàu, Lăng Cá Ông nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, được tôn tạo rất đẹp, trang nghiêm và là công trình du lịch có tiếng. Dinh Vạn Thủy Tú ở Phan Thiết là một trong những địa điểm thờ Cá Ông nổi tiếng nhất Việt Nam. Nơi đây đang lưu giữ bộ xương cá voi được coi là lớn nhất Việt Nam, có tuổi đời hơn 2 thế kỷ…

Lễ hội cầu ngư diễn ra ở các đền cá ông, thường được tổ chức trong 2 ngày. Thường là 1 ngày tế lễ và một ngày hội. Ở ngày tế lễ, bàn thờ được trang hoàng lộng lẫy, trên mâm cúng có đồ của rất nhiều gia đình chài sửa soạn. Các vị chủ tế cao niên đức cao vọng trọng thực hiện nghi thức dâng tế, gồm dâng đồ tế lễ và văn tế nói lên lòng biết ơn của ngư dân đối với Đức Ông, đồng thời cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, được mùa cá tôm, ngư dân đi biển an toàn may mắn. Ngày thứ hai thường là ngày hội với các trò chơi và hình thức biểu diễn dân gian tùy vùng. Lễ hội Cầu ngư hàng năm của vùng biển không chỉ dành cho ngư dân, mà người đông đảo người dân trong vùng cũng như nhiều vùng lân cận, hoặc khách du lịch cũng đến tham gia.

Những cái Tết làng chài đầy sắc màu, đầy tưng bừng, vui vẻ gắn liền với văn hóa dân tộc Việt. Nó là một phần của cái Tết Việt nghĩa tình, ấm áp, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng mang những nét đẹp riêng không lẫn vào đâu được. 

Đọc thêm