Bà Rịa – Vũng Tàu cần đột phá để phát huy lợi thế

(PLO) - Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức sáng nay, 10/8, tại Tp HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh trong thời gian tới, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần có những chính sách đột phá để phát triển thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch..

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ký kết biên bản ghi nhớ với 4 nhà đầu tư, tổng vốn đăng ký đến năm 2020 khoảng trên 50 ngàn tỷ đồng.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ký kết biên bản ghi nhớ với 4 nhà đầu tư, tổng vốn đăng ký đến năm 2020 khoảng trên 50 ngàn tỷ đồng.

Trong phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định có vị trí chiến lược thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế tổng hợp với những lợi thế.

Hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải đóng vai trò cảng trung chuyển container quốc tế, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn đến 200.000 tấn. Tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối hạ tầng giao thông hoàn chỉnh với các tuyến Quốc lộ (51, 55 và 56), cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai. Nguồn tài nguyên (khí thiên nhiên, điện, nước) đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư.

Một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh như: thép, hóa dầu, năng lượng… là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành liên quan trong chuỗi cung ứng giá trị, tăng tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Do vậy, trong thời gian tới, Bà Rịa – Vũng Tàu cần có những chính sách đột phá để phát triển thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Bà Rịa – Vũng Tàu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, trong đó trọng tâm là hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh, phải được coi là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, liên tục.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bà Rịa – Vũng Tàu cần có các giải pháp đủ hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực từ các tỉnh thành lân cận, đặc biệt từ TP HCM. Quan trọng hơn, phải đặc biệt chú ý việc phát triển nhà ở xã hội, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho công nhân, người lao động ở các khu, cụm công nghiệp; gắn phát triển công nghiệp với phát triển đô thị.

Cũng tại Hội nghị, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ký kết biên bản ghi nhớ với 4 nhà đầu tư, tổng vốn đăng ký đến năm 2020 khoảng trên 50 ngàn tỷ đồng. Các dự án được ký kết gồm phát triển hạ tầng cảng biển, giao thông, du lịch. 

Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh ven biển, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược quan trọng. Chiếm 93% trữ lượng dầu mỏ (các mỏ Bạch Hổ, Đại Hùng, Rạng Đông,...), 16% trữ lượng khí và 11,2% tổng công suất điện năng cả nước, Vũng Tàu là cái nôi của ngành dầu khí Việt Nam.

Về cảng biển, tỉnh có hệ thống cảng biển liên vùng với vai trò cảng trung chuyển quốc tế, có khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải đến 200.000 tấn, đưa hàng hóa từ Cái Mép – Thị Vải đến các cảng châu Á, châu Âu, châu Mỹ.

Theo Quy hoạch nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5), hệ thống cảng biển Bà Rịa Vũng Tàu là cụm cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ kết hợp trung chuyển container quốc tế. Các cảng biển nước sâu khu vực Cái Mép – Thị Vải đảm nhận vai trò trung chuyển quốc tế, có khả năng đón nhận các tàu đến 200.000 tấn.

Trong lĩnh vực du lịch, bờ biển dài 72 km, hơn 100.000 km2 thềm lục địa với nhiều danh thắng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có trên 9 triệu khách du lịch đến Bà Rịa – Vũng Tàu, gấp gần 8 lần dân số của tỉnh.

Đọc thêm