Bắc Giang không để hàng xóm "dắt nhau" ra tòa

(PLO) - Thời gian qua, nhờ có chỉ đạo đồng bộ và vào cuộc kịp thời của các cấp ủy, chính quyền địa phương mà hơn 2.500 tổ hòa giải ở tỉnh Bắc Giang đã phát huy được vai trò thiết thực trong việc giải quyết thành công nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. 
Bắc Giang không để hàng xóm "dắt nhau" ra tòa

Hơn 10 năm qua, bác Lê Doãn Trọng, Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố Á Lữ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) đã hòa giải thành công nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh chủ yếu từ vấn đề đất đai, giúp giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp ở khu dân cư. Đơn cử như vụ ông Hưởng (đường Lê Lợi) có mua một thửa đất rộng 100m2, trên thực địa thửa đất này nằm trên đường thẳng nhưng trên giấy tờ thì thửa đất của ông còn 3m2 nữa, nhưng phần đất này lại lấn sang nhà bà Dung (đường Lý Thái Tổ) nên hai bên đã xảy ra mâu thuẫn.

Sau gần 3 tháng, các cơ quan chức năng vẫn không giải quyết thành công vụ việc, nắm bắt tình hình của đôi bên, tổ hòa giải đã trò chuyện, phân tích điều hơn lẽ thiệt, đặc biệt là khuyên hai người hãy đặt tình làng nghĩa xóm lên trên để xem xét nặng nhẹ. Sau nhiều lần khuyên nhủ, thuyết phục, ông Hưởng, bà Dung đã tự nguyện rút các đơn kiện cáo và chấp nhận tự hòa giải để tiếp tục giữ được tình cảm hàng xóm.

Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 2.532 tổ hoà giải được thành lập ở các thôn, xóm, bản làng, tổ dân phố, khu dân cư với 17.396 hòa giải viên cơ sở thuộc đầy đủ các thành phần tham gia. Bên cạnh một số hòa giải viên có trình độ đại học, chuyên môn luật thì đa số các hòa giải viên đều chưa được qua đào tạo về chuyên môn. Do đó, để bồi dưỡng thêm kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng hòa giải, trung bình mỗi năm tỉnh có mở 3-4 lớp tập huấn nghiệp vụ cho các hòa giải viên. 

Nhờ phát huy tốt tinh thần, trách nhiệm của tập thể cũng như của từng hòa giải viên mà hàng năm các vụ tranh chấp, xích mích ở địa phương đều được phát hiện và hòa giải kịp thời với 80-90% vụ việc được hòa giải thành công.

Theo ông Phạm Văn Tĩnh, Phó Trưởng phòng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Bắc Giang, công tác hòa giải tại cơ sở đã giúp chính quyền địa phương trực tiếp giải quyết được các vụ việc, tranh chấp nhỏ giữa người dân; giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp; đảm bảo an ninh trật tự cho làng xóm, đồng thời thúc đẩy phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư.

Trong thời gian tới, để hoạt động hòa giải ở cơ sở đạt được những kết quả tích cực hơn nữa, Bắc Giang cần tiếp tục nâng cao chất lượng của các tổ hòa giải, quan tâm hỗ trợ kinh phí trong công tác hòa giải, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp tài liệu phong phú cho đội ngũ hòa giải viên để họ kịp thời nắm bắt chính xác các quy định pháp luật và áp dụng vào thực tế một cách khéo léo và hiệu quả nhất.

Đọc thêm