Bắc Kạn còn nhiều vướng mắc sau khi thực hiện việc sắp xếp các thôn, xã

(PLVN) - Ngày 12/5, ông Lý Thái Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã chủ trì cuộc họp với một số sở, ban, ngành để thống nhất phương án thực hiện chế độ, chính sách đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Ông Lý Thái Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã chủ trì cuộc họp.
Ông Lý Thái Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, sau khi thực hiện việc sắp xếp các thôn, xã theo Nghị quyết số 855 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện trên địa bàn tỉnh nảy sinh thực trạng thôn đặc biệt khó khăn sáp nhập với thôn không đặc biệt khó khăn; xã khó khăn sáp nhập với xã không khó khăn hoặc xã đã hoàn thành nông thôn mới; sau khi sáp nhập đổi tên mới...

Tuy nhiên, hồ sơ điều chỉnh Quyết định 582 về việc phê duyệt xã thuộc khu vực I, II, III và thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 – 2020 hiện mới đang được các Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ nên chưa có căn cứ để xác định thôn, xã sau khi sáp nhập có thuộc diện đặc biệt khó khăn hay không.

Một số thôn, xã sau khi sáp nhập đã đổi tên mới không còn tên trong danh sách, nên khi triển khai Chương trình 135 và các chính sách về y tế, mua thẻ bảo hiểm y tế toàn dân, chính sách về giáo dục và vay vốn... đều vướng mắc. 

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham gia của các sở, ngành liên quan, Ban Dân tộc đề xuất với UBND tỉnh một số phương án triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn thôn, xã sau khi sáp nhập như: Sử dụng tên thôn, xã mới sau khi sáp nhập để tổ chức thực hiện chính sách nhưng chỉ thực hiện cho các đối tượng, địa bàn cũ (tức là đối tượng sinh sống trên địa bàn thôn, xã cũ trước khi sáp nhập có tên trong Quyết định 582 cho đến khi có quyết định mới thay thế). Trường hợp có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách đặc thù sẽ triển khai cho các đối tượng khác trên địa bàn.

Đối với phân bổ nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình 135 (Dự án phát triển sản xuất, duy tu bảo dưỡng công trình) và triển khai Chương trình 135 năm 2020 tại xã, thôn sau khi sáp nhập sẽ sử dụng tên mới để tổ chức thực hiện nhưng chỉ áp dụng cho đối tượng địa bàn cũ; việc phân bổ nguồn vốn cho các thôn, xã sau khi sáp nhập vẫn thực hiện cho đối tượng là các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu đã được phê duyệt tại Quyết định 900 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 414 của Ủy ban Dân tộc.

Ví dụ: 02 xã đặc biệt khó khăn sáp nhập với nhau thì phân bổ theo 2 suất đầu tư cho xã mới, 1 xã đặc biệt khó khăn sáp nhập với 1 xã không khó khăn, thì phân bổ vốn theo 1 suất đầu tư. Tương tự đối với các thôn cũng sẽ thực hiện như trên.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lý Thái Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với các đề xuất trên, đồng thời yêu cầu các sở, ngành liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình áp dụng thực hiện một cách phù hợp. Việc áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù cho các thôn, xã sau sáp nhập vẫn thực hiện theo đúng quy định của Nghị quyết số 32 của Chính phủ cho đến khi có hướng dẫn mới.

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành liên quan đều nhất trí với đề xuất của Ban Dân tộc tỉnh. Riêng Sở Lao động- Thương binh và Xã hội vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm y tế cho các đối tượng được thụ hưởng đến hết ngày 31/12/2021, cho đến khi có hướng dẫn mới của Trung ương./.

Đọc thêm