Bạc Liêu triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm

(PLVN) - “Bạc Liêu sẽ có từ 5 -7 sản phẩm đầu tiên của Chương trình OCOP vào cuối năm 2019” - đó là chỉ đạo của ông Dương Thành Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tại Hội nghị triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm do tỉnh tổ chức vào ngày 04/10.
Bạc Liêu triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Quang Dương – Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Ngô Tất Thắng - Phó chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Ông Dương Thành Trung - Chủ tich UBND tỉnh phát biểu Chỉ đạo hội nghị
Ông Dương Thành Trung - Chủ tich UBND tỉnh phát biểu Chỉ đạo hội nghị

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung, tuy Bạc Liêu là tỉnh triển khai sau Đề án OCOP so với các tỉnh thành trong khu vực, tuy nhiên tỉnh chắc chắn sẽ không về sau trong việc thực hiện Đề án OCOP vì tỉnh luôn nhận được được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo tạo tiền đề quan trọng trong việc triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, là tỉnh triển khai sau nên được học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh, các khu vực đã thực hiện đã triển khai trước đó. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 03 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer sinh sống, sự giao thoa văn hóa của các dân tộc này tạo nên những sản phẩm đặc thù mà chỉ riêng tỉnh Bạc Liêu có được. Đồng thời trên địa bàn tỉnh hiện tại đã có nhiều sản phẩm được người dân trong và ngoài nước biết đến.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị
Các đại biểu phấn khởi bày tỏ mong muốn đề án sớm được triển khai sâu rộng đến từng địa phương, từng hộ dân
Các đại biểu phấn khởi bày tỏ mong muốn đề án sớm được triển khai sâu rộng đến từng địa phương, từng hộ dân

Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện Đề án trên được sâu rộng đến từng hộ nông dân ở các địa phương trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương cần nhanh chóng vượt qua những khó khăn ban đầu trong việc triển khai thực hiện, tổ chức các đợt tập huấn, triển khai cho các nhóm đối tượng nhằm tạo được sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người nông dân qua đó tạo động lực, quyết tâm thực hiện tốt Đề án;

Bên cạnh đó, chọn ngay sản phẩm đặc thù của từng địa phương, tuy nhiên các sản phẩm được lựa chọn phải gần với các tiêu chí đã đưa ra; phát huy tối đa lợi thế của người đi sau, rút kinh nghiệm của người đi trước bằng cách thành lập các đoàn đi học tập kinh nghiệm từ các địa phương đã có sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần xây dựng dự thảo Nghị quyết về Chương trình OCOP trình tỉnh phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Ông Ngô Tất Thắng - Phó chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương nhận định, tuy triển khai chậm nhưng xét về điều kiện thực tế, Bạc Liêu đã đạt được 50% những tiêu chí thực hiện Chương trình OCOP so với các tỉnh khác trong khu vực, vì vậy tỉnh sẽ sớm có được các sản phẩm đạt chuẩn OCOP là điều chắc chắn./.

Đề án OCOP được áp dụng trên 07 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Đối tượng là các sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ các địa phương, đặc biệt là sản phẩm vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Chủ thể thực hiện Đề án là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, trong đó chú trọng các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đọc thêm