Bãi triều Quan Lạn: Dân lo lắng vì đào hút cát

(PLO) - Cách xa thành phố Hạ Long gần 70km, đời sống kinh tế của nhân dân xã đảo Quan Lạn chủ yếu dựa vào biển, trong đó nguồn lợi hải đặc sản chính nằm trên 500ha bãi triều. Do ý thức một bộ phận đánh bắt thủy hải sản mang tính hủy diệt như: kéo chả điện, bắn mìn…nguồn lợi thủy hải sản trên biển giảm đi trông thấy. 
Bãi triều Quan Lạn: Dân lo lắng vì đào hút cát

Cứ mỗi sáng, trên bãi triều có đến hàng trăm người khai thác tận gốc các loại nhuyễn thể, trong đó nạn khai thác sá sùng bằng soi rãnh, đào hào với độ sâu trên 50cm. 

Trước tình hình đó các cấp ủy Đảng, đoàn thể tổ chức thôn xóm đã có nhiều phiên họp tìm cách ngăn chặn, trước tiên công tác vận động tuyên truyền đến tận từng người dân nhất là các đối tượng có hành vi khai thác sá sùng bằng hình thức tận gốc. Một thời gian vận động tuyên truyền cùng nhiều biện pháp ngăn chặn, cuối năm 2016 và quý I năm 2017 tình hình đã có phần ổn định. 

Nhưng vào trung tuần tháng 5/2017 cả làng đảo phải ngỡ ngàng bãi triều Đông Hồ hai máy cẩu ầm ầm nổ máy đào xới múc cát, rồi lại bàn giao lại cho máy hút bùn đất ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, đặc biệt đến những người khai thác sá sùng và các loại nhuyễn thể sinh trưởng trên bãi. Nhân dân trên đảo rất bất bình, bức xúc về việc làm này nhưng chưa biết ai là người chủ trương thực hiện. 

Trước tình hình đó, ông Bùi Quang Hiệp - Bí thư Chi bộ thôn Thái Hòa đã trực tiếp gặp các đồng chí lãnh đạo chính quyền địa phương nhưng đều nhận được câu trả lời không biết, không rõ.

Trước nay, khi làm con đường xuyên đảo, từ con đê ngăn sóng biển, từ đập nước Lòng Dinh, các dự án du lịch sinh thái nhân dân đều được bàn tham gia đóng góp ý kiến nhưng riêng việc đào phá bãi triều Đông Hồ thì các cấp chính quyền và nhân dân đều không biết, không được bàn thật là một điều kì lạ.

Ai ra đảo mới biết cuộc sống dân đảo cực nhọc ra sao, hai phần ba người dân sống nhờ vào biển nhờ vào các bãi triều khi nước rút. Việc nạo vét, đào xới khiến biển cạn kiệt những con ngao, sò, sá sùng thì đời sống dân đảo đi đến đâu? Mong rằng việc đào xới trên sẽ sớm chấm dứt với sự quan tâm của chính quyền địa phương.

Đọc thêm