Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa di sản tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn

(PLVN) - Xứ Lạng từ lâu vốn nổi tiếng là mảnh đất địa linh, nhân kiệt với bao trầm tích văn hóa theo suốt chiều dài lịch sử, ẩn chứa nhiều thông điệp sâu sắc của tiền nhân để lại. Lạng Sơn đang nắm giữ nhiều di sản phi vật thể, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Để lưu giữ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng này, ngành văn hóa tỉnh đã và đang có nhiều việc làm thiết thực góp phần bảo lưu các giá trị văn hóa tốt đẹp của tín ngưỡng, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.
Nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
Nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

Theo các tài liệu lịch sử, tín ngưỡng này có mặt ở Lạng Sơn từ khoảng cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự gắn bó, dung hòa với các tôn giáo, tín ngưỡng khác, nương tựa, bổ sung cho nhau để cùng nhau tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, trong suốt tiến trình phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu còn tích tụ, hàm chứa nhiều giá trị tiêu biểu của lịch sử và văn hóa truyền thống, góp phần giữ gìn, lưu truyền và phát huy những tinh hoa văn hóa thuộc về bản sắc dân tộc độc đáo của Việt Nam.

Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn (VHTT&DL), trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 100 di tích trực tiếp thờ Mẫu hoặc phối thờ (có ban thờ Mẫu), tập trung chủ yếu ở thành phố Lạng Sơn và các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc,… Một số địa điểm tiêu biểu thờ Mẫu ở Lạng Sơn như: đền Mẫu Đồng Đăng (Cao Lộc), đền Kỳ Cùng (thành phố Lạng Sơn),…

Đã có không ít những giải pháp được đặt ra nhằm bảo tồn, tôn vinh và chấn hưng tín ngưỡng thờ Mẫu như: tổ chức các tọa đàm khoa học, các liên hoan diễn xướng hầu đồng... Tuy nhiên, dường như đó vẫn chỉ là những giải pháp tạm thời và ít hiệu quả.

Tiết mục diễn xướng Cô bé Thượng ngàn của đoàn nghệ nhân thành phố Lạng Sơn.
Tiết mục diễn xướng Cô bé Thượng ngàn của đoàn nghệ nhân thành phố Lạng Sơn.

Thời gian qua, để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tại Lạng Sơn, Sở VHTT&DL đã có nhiều việc làm thiết thực. Cụ thể, năm 2013, Sở VHTT&DL đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam tổ chức lễ đón bằng công nhận di tích Quốc gia đền Cửa Đông và tọa đàm khoa học tín ngưỡng thờ Mẫu.

Năm 2015 đã có 1 cá nhân được công nhận “nghệ nhân ưu tú”; năm 2020 có 3 cá nhân đang hoàn thiện hồ sơ để trình công nhận. Từ năm 2017 đến năm  2019, Sở VHTT&DL đã tổ chức 3 chương trình giao lưu diễn xướng chầu văn tỉnh Lạng Sơn mở rộng thu hút 75 nghệ nhân, thanh đồng trong và ngoài tỉnh tham gia. 

Ngoài ra, Sở đã tăng cường xúc tiến quảng bá giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu đến với du khách gần xa trong và ngoài tỉnh trên trang thông tin du lịch của tỉnh và lồng ghép trong các sự kiện như tuần văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ,…

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý đối với tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các hoạt động diễn xướng chầu văn, giới thiệu các giá trị đặc sắc của tín ngưỡng dịp đầu năm và tại các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh. Đặc biệt, Sở VHTT&DL sẽ tổ chức hội thảo khoa học để nghiên cứu, tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu về giá trị của tín ngưỡng này đối với Lạng Sơn để có hướng bảo tồn phù hợp.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu là công việc lâu dài và khó khăn. Tín ngưỡng thờ Mẫu vốn chưa có quy định, khuôn mẫu cố định. Và những tranh luận về tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có nhiều ý kiến khác nhau, do vậy rất cần sự đóng góp của các nhà khoa học cùng các thanh đồng để đảm bảo việc thực hành nghi lễ đúng theo bản sắc tín ngưỡng chứ không phải là hành vi lợi dụng để trục lợi, mê tín, dị đoan./.

Đọc thêm