Bế mạc Lễ hội Dạ cổ Hoài lang Bạc Liêu: Lắng đọng nhiều cảm xúc sâu sắc

(PLO) - Tối 15/9, chính thức khép lại chuỗi hoạt động lễ hội Dạ cổ Hoài lang. Tuy diễn ra vài ngày ngắn ngủi, nhưng ý nghĩa cũng như dư âm từ lễ hội đã đọng lại trong lòng người mộ điệu một thứ tình rất riêng! 
Tiết mục văn nghệ biểu diễn tại Lễ bế mạc lễ hội Dạ cổ hoài lang
Tiết mục văn nghệ biểu diễn tại Lễ bế mạc lễ hội Dạ cổ hoài lang

Tri ân các bậc tiền bối 

Theo ghi nhận của PLVN, các hoạt động diễn ra xuyên suốt lễ hội đã hoàn thành tốt theo tiến độ mà Ban Tổ chức đề ra. Các hoạt động thiết thực và bổ ích như: Lễ giỗ tổ cổ nhạc, Lễ dâng hương viếng mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Hội thi Tìm hiểu bản Dạ cổ hoài lang, vọng cổ, đờn ca tài tử (ĐCTT), hò chèo ghe Bạc Liêu, nói thơ Bạc Liêu; Liên hoan ĐCTT 3 tỉnh Bạc Liêu – Sóc Trăng – Cà Mau lần thứ XI…

Những hoạt động này đã đảm bảo về tính chất, ý nghĩa, trang trọng và thể hiện sâu sắc sự tri ân công lao của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và các bậc tiền bối đã có công đóng góp cho sự ra đời, phát triển bài Dạ cổ hoài lang, tiền thân của bản vọng cổ ngày nay.

Một hoạt động trong khuôn khổ lễ hội thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân tại Bạc Liêu là Liên hoan ĐCTT 3 tỉnh Bạc Liêu – Sóc Trăng – Cà Mau lần thứ XI. Liên hoan có 6 đội ĐCTT tham gia, gồm: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Tiền Giang, Bình Dương, Vĩnh Long với hơn 70 nghệ nhân, tài tử.

Các tiết mục thi diễn nằm trong 20 bản tổ của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, nét đẹp vùng đất và con người Nam bộ. Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 3 giải A tập thể cho các đội ĐCTT thuộc 3 tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng và Tiền Giang, 3 giải B thuộc về đội ĐCTT của 3 tỉnh: Bình Dương, Cà Mau và Vĩnh Long. 

Tuy nhiên, một hoạt động khác nằm trong chuỗi hoạt động của lễ hội Dạ cổ hoài lang cũng có sức hấp dẫn không kém, đó là hội thi Tìm hiểu bản Dạ cổ hoài lang, vọng cổ, ĐCTT, hò chèo ghe và nói thơ Bạc Liêu. Theo đó,16 đội đến từ các câu lạc bộ  ĐCTT phường, xã trên địa bàn thành phố Bạc Liêu và khối trường chuyên nghiệp đã có sự tranh tài đầy hứng khởi và hấp dẫn. Hầu hết các đội đều chuẩn bị khá tốt phần trả lời các câu hỏi được bắt thăm từ Ban Tổ chức.

Nhiều người đều đồng tình rằng: Hội thi là điều kiện cần thiết để các thế hệ, đặc biệt là lớp trẻ có thể giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Thông qua đó sẽ phát hiện và bồi dưỡng những cá nhân có năng khiếu về các loại hình nghệ thuật như: Nói thơ Bạc Liêu, Hò chèo ghe Bạc Liêu… đóng góp cho việc bảo tồn và phát triển vườn hoa nghệ thuật của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bạc Liêu nói riêng. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Phương Nam trao Bằng khen cho các đội đoạt giải tại Liên hoan Đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau lần thứ XI
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Phương Nam trao Bằng khen cho các đội đoạt giải tại Liên hoan Đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau lần thứ XI

Khẳng định chiếc nôi lớn của đờn ca tài tử  

Ấn tượng nhất trong hội thi này là nhiều thí sinh lớn tuổi còn khá “máu lửa” khi trình diễn phần kỹ năng. Trong khi phần thi này chỉ yêu cầu ca bản Dạ cổ hoài lang, hoặc một lớp nào đó trong các bài bản tổ, nhưng những thí sinh “còn gân” đã mạnh dạn “ca ra bộ” khiến cho hội thi trở nên rất thú vị. Từng tiếng cười giòn tan, những tràng pháo tay khích lệ đã thực sự làm nên điều thú vị và ý nghĩa trong các hoạt động của lễ hội.  

Khi chính thức khép lại chuỗi hoạt động trong khuôn khổ lễ hội, chúng tôi ghi nhận nhiều đánh giá tốt đẹp từ dư luận. Đây thực sự là một lễ hội đặc sắc, ấn tượng, làm nổi bật vai trò của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không những làm tốt việc bảo tồn giá trị nghệ thuật cho loại hình âm nhạc dân tộc của quê hương mình, lễ hội Dạ cổ hoài lang của Bạc Liêu còn gặt hái được thành công ở lĩnh vực khác.

Đó là giáo dục thế hệ trẻ biết nhớ về công lao của các bậc tiền nhân đã để lại kho tàng âm nhạc quý báu của dân tộc. “Tôi sinh ra và lớn lên tại TP HCM nhưng lại rất đam mê ĐCTT - một loại hình nghệ thuật độc đáo của vùng sông nước Cửu Long. Có dịp công tác và lưu trú tại Bạc Liêu trong những ngày này đã cho tôi hiểu biết thêm về lễ hội Dạ cổ hoài lang” – bạn Huỳnh Minh Tiến, một du khách đến từ TP HCM bày tỏ cảm xúc về lễ hội. 

Kết thúc lễ hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Phương Nam đã phát biểu rằng: “Những gì lễ hội đã để lại trong lòng chúng ta sẽ còn mãi với thời gian. Đó chính là động lực thúc đẩy công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Công cuộc này còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và dịch vụ, góp phần khẳng định thành phố Bạc Liêu xứng tầm là đô thị loại II, thành phố văn hóa. Và khẳng định Bạc Liêu là một trong những chiếc nôi lớn của ĐCTT Nam bộ”. 

Rằm tháng Tám – Bạc Liêu đã ghi dấu trong lòng người một điệu cải lương, vọng cổ nói riêng, người dân nói chung, bằng một lễ hội đậm màu văn hóa đặc trưng của xứ sở Công tử!

Đọc thêm